Dự án Bảo tồn các loài Rùa hộp
Tổng quát
Chi rùa hộp châu Á (Cuora) được đánh giá là một trong những nhóm loài cần được ưu tiên bảo tồn. Các loài này đã và đang đối mặt với sự đe dọa từ các hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp ở Việt Nam và Trung Quốc với số lượng lớn. Bên cạnh đó, loài này cùng đang phải đối mặt với nguy cơ lớn của sự mất sinh cảnh sống. Trong số 7 loài rùa hộp được phát hiện hoặc được cho là có phân bố tại Việt Nam, thì có năm loài được đánh giá là cực kỳ nguy cấp và một loài trong tình trạng nguy cấp theo đánh giá của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN). Ba loài quan trọng trong chi là rùa hộp trán vàng miền Bắc (Cuora galbinifrons), rùa hộp trán miền Trung (Cuora bourreti), rùa hộp trán vàng miền Nam (Cuora picturata). Ba loài cực kỳ nguy cấp (IUCN, 2019) này có mối quan hệ gần và nhiều nét tương đồng về hình thái. Rùa hộp trán vàng miền Nam là một loài đặc hữu, chỉ được tìm thấy ở miền Trung Việt Nam (Stuart & Parham, 2004). Vì những lý do này, ba loài rùa này được ATP/IMC ưu tiên bảo tồn.
Một ưu tiên bảo tồn khác của ATP là loài rùa sa nhân (Cuora mouhotii) với phân loài Cuora mouhotii obsti. Mặc dù có phạm vi phân bố lớn, nhưng loài vẫn được IUCN xếp loài này vào nhóm loài nguy cấp do số lượng cá thể hoang dã đang suy giảm nhanh chóng tại một số khu vực.
Phân bố
Rùa hộp trán vàng miền Bắc có phạm vi phân bố tương đối nhỏ, chủ yếu ở Trung Quốc, Lào và miền Bắc và miền Trung Việt Nam (Turtle Taxonomy Working Group, 2017). Rùa hộp trán vàng miền Trung phần lớn chủ yếu chỉ phân bố ở miền Trung Việt Nam và có xuất hiện CHDCND Lào (Turtle Taxonomy Working Group, 2017). Rùa hộp trán vàng miền Nam là loài đặc hữu ở vùng núi Nam Trung bộ Việt Nam.
Rùa sa nhân (Cuora mouhotii) có phạm vi phân bố rộng và rời rạc, xuất hiện ở Bangladesh, Bhutan, Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar, Việt Nam và có nhiều khả năng ở Thái Lan ( Turtle Taxonomy Working Group, 2017). Phân loài phụ của sa nhân xuất hiện ở dãy núi Trường Sơn ở miền Trung Việt Nam va Lào.
Rùa hộp trán vàng miền Bắc(Cuora galbinifrons)
Rùa hộp trán vàng miền Trung (Cuora bourreti)
Rùa hộp trán vàng miền Nam (Cuora picturata)
Rùa sa nhân(Cuora mouhotii mouhotii &
Cuora mouhotii obsti)
Sinh cảnh sống
Rùa hộp trán vàng miền Bắc, miền Trung và miền Nam là những loài sống trên cạn ở các khu vực có rừng gỗ và rừng thường xanh ở độ cao trung bình trở lên trong phạm vi phân bố tương ứng của chúng (xem bản đồ phân bố phía trên).
Rùa sa nhân, cũng là loài sống trên cạn, xuất hiện ở những khu rừng gắn liền với khu vực núi đá vôi. Loài này thường được phát hiện trong các hang động nhỏ và các khe nứt tại các khu vực núi cao.
Các mối đe dọa
Sức ép từ các hoạt động săn bắt trên phạm vi phân bố đã khiến cho quần thể tự nhiên của các loài rùa hộp suy giảm đáng kể. Việc săn bắt quá mức do nhu cầu tiêu thụ làm thức ăn và làm cảnh tại địa phương, trong nước và quốc tế là môi đe dọa chính đối với các loài này. Thêm vào đó là việc mất và suy thoái môi trường sống, do nạn phá rừng và canh tác lương thực.
Do thời gian trưởng thành khá chậm, kéo dài cả chục năm và khả năng sinh sản kém, chỉ cho khoảng 2-3 trứng trong một năm nên loài này gặp nhiều khó khăn để duy trì số lượng quần thể ổn định kể cả khi ít bị săn bắt. Trên thế giới, chúng cũng được nuôi nhốt trong các vườn thú hoặc trong các trung tâm bảo tồn, chúng rất khó nuôi và khó gây giống trong điều kiện nuôi nhốt.
Hoạt động
Ở Trung tâm bảo tồn rùa (TCC) ở Vườn quốc gia Cúc Phương, miền Bắc Việt Nam, ATP/IMC đang phát triển quần thể bảo tồn của từng loài phòng trường hợp các loài này bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Tại đây, nhiều cá thể rùa được giải cứu từ các vụ buôn bán bất hợp pháp, được chăm sóc, phục hồi và tái thả về tự nhiên khi thích hợp.
ATP/IMC cũng thực hiện các cuộc khảo sát thực địa mỗi năm, tập trung ở miền Trung Việt Nam, để tìm kiếm các quần thể hoang dã của các loài này còn sót lại trong tự nhiên và xác định các khu vực có thể cần được bảo vệ trong tương lai. Chúng tôi đã và đang làm việc với chính quyền và các lực lượng chức năng để nâng cao nhận thức về tình trạng của các loài rùa hộp và thu hút cộng đồng tham gia vào hoạt động bảo tồn.
Tài liệu tham khảo
IUCN, 2019. The IUCN Red List of Threatened Species. Version 2019-3. http://www.iucnredlist.org. Downloaded on 28 February 2020.
Stuart, B.L. and Parham, J.F., 2004. Molecular phylogeny of the critically endangered Indochinese box turtle (Cuora galbinifrons). Molecular phylogenetics and evolution, 31(1), pp.164-177.
Turtle Taxonomy Working Group [Rhodin, A.G.J., Iverson, J.B., Bour, R., Fritz, U., Georges, A., Shaffer, H.B. and Van Dijk, P.P.], 2017. Turtles of the world: annotated checklist and atlas of taxonomy, synonymy, distribution, and conservation status. Conservation biology of freshwater turtles and tortoises: a compilation project of the IUCN/SSC Tortoise and Freshwater Turtle Specialist Group. Chelonian Research Monographs, 7, pp.1-292.