Từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 9 năm 2020, nhóm cứu hộ của chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ tái thả rùa lần thứ 4 trong năm 2020 và đưa 76 cá thể rùa về ngôi nhà hoang dã tại một khu bảo tồn tại Việt Nam. Nhóm rùa này gồm 25 cá thể rùa đầu to (Platysternon megacephalum) và 51 cá thể rùa bốn mắt (Sacalia quadriocellata); các cá thể rùa bốn mắt đều được nhân giống và ấp nở thành công tại tại Trung tâm Bảo tồn Rùa (TCC), Vườn quốc gia Cúc Phương, tỉnh Ninh Bình.
Các cán bộ Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP) thuộc Tổ chức Indo-Myanmar Conservation và Trung tâm Bảo tồn Rùa (TCC) đã thực hiện nhiều chuyến khảo sát từ khu vực cắm trại để tìm kiếm và lựa chọn các sinh cảnh phù hợp cho các cá thể rùa. Địa hình phức tạp, cùng mưa lớn là trở ngại lớn cho quá trình tái thả. Nhóm đã mất nhiều thời gian để vượt qua các các đoạn suối chảy siết và các thác nước cao. Chúng tôi rất vui mừng khi thấy những cá thể rùa được quay trở lại tự nhiên và đang lên kế hoạch cho các đợt tái thả tiếp theo trong năm 2020.
Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các nhân viên tận tụy đã và đang chăm sóc, phục hồi rùa cũng như tất cả các thành viên đã trực tiếp tham gia đợt tái thả đầy thách thức về thể lực này. Chúng tôi cũng chân thành cảm ơn Quỹ bảo tồn Fondation Segré và Chương trình EDGE of Existence đã tài trợ cho dự án này, cùng các đối tác khác của dự án bao gồm Hội động vật học Luân Đôn (ZSL), vườn thú Paignton Zoo, tổ chức Nordens Ark, Viện Tài nguyên và Môi trường (CRES) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Vườn thú Cleveland Metroparks và tất cả các nhà tài trợ và đối tác đã và đang đồng hành cùng chúng tôi trong công tác bảo tồn rùa.
Thông cáo báo chí: Hoàng Văn Hà – ATP/IMC
Ngày: 10/09/2020
Thư viện ảnh
No comment