Truyện Trê Cóc? Nòng nọc của 6 loài cóc sừng giống Megophrys được định loại và mô tả tại Việt Nam

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, truyện Trê Cóc là một câu truyện thú vị khám phá bí ẩn về mối tương quan giữa tình phụ tử/mẫu tử và hình thái.  

Trong truyện, một đôi cá Trê hiếm muộn đã bắt đàn nòng nọc về nuôi. Không thấy con, vợ chồng Cóc dắt nhau đi tìm nhưng nhà Trê không chịu trả con khiến nhà Cóc thưa kiện với quan. Quan phán giam Trê lại nhưng vợ Trê lại lo lót lễ vật hậu hĩnh để khiếu lại cho chồng. Khi sai nha đến ao để tra án, do trông thấy nòng nọc [giống Trê, không giống Cóc] nên đã trình lại quan. Quan liền phán rằng nòng nọc là con của Trê.

Phần miệng nhô cao chuyên biệt của nòng nọc loài cóc sừng khổng lồ (Megophrys gigantica). Ảnh: Benjamin Tapley – ZSL

Ngày nay, nòng nọc sẽ không thể bị nhầm là hậu duệ của cá trê, nhưng liệu rằng chúng ta có thể định loại loài dựa trên hình thái của nòng nọc? Trong khi hiểu biết của con người về các loài lưỡng cư đã tăng lên đáng kể với hơn 7,200 loài đã được mô tả, chúng ta biết rất ít về giai đoạn ấu trùng của các loài ếch nhái và cóc. Tuy nhiên, các nghiên cứu thực địa được tiến hành ở Việt Nam đang góp phần giải câu đố này.

Trong 2 bài báo được công bố gần đây trên tập san khoa học Zootaxa, nòng nọc của 6 loài cóc sừng châu Á (giống Megophrys) đã được tìm thấy và mô tả lần đầu tiên tại Việt Nam nhờ các cuộc khảo sát về lưỡng cư được phối hợp thực hiện giữa Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á thuộc Tổ chức Indo-Myanmar Conservation, Hiệp hội động vật học London (ZSL), Bảo tàng Úc và Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Việt Nam.

Cóc sừng châu Á được biết đến với cặp ‘mày’ trên dài và có 107 loài đã được ghi nhận trong các khu rừng ở Đông Nam Á, Trung Quốc và tây bắc Ấn Độ. Tại Việt Nam, nơi nằm trong vành đai đa dạng sinh học Đông Dương – Miến Điện, 21 loài cóc sừng đã được ghi nhận, bao gồm cóc sừng khổng lồ.

“Khi đang tìm kiếm các loài lưỡng cư dọc các dòng suối trong các cánh rừng nguyên sinh trên núi cao, tôi đã bị ấn tượng với tập tính khác lạ của một số cá thể nòng nọc – kiếm ăn trên mặt nước. Điều này đã thôi thúc tôi tìm kiếm lời giải cho các câu hỏi: “Đây là loài nào?” và “Bằng cách nào và tại sao, các loài này lại kiếm ăn như vậy?”, anh Nguyễn Thành Luân, đồng tác giả bài báo, cán bộ khoa học của ATP/IMC chia sẻ.

Sau khi quan sát nòng nọc, nhóm nghiên cứu đã chụp ảnh, đo và ghi lại các chỉ số về hình thái, lấy mẫu DNA, nhằm giúp định loại và xác định các cá thể nòng nọc này là ấu trùng của 6 loài cóc sừng, gồm có:

  • Cóc sừng Fansipan (Megophrys fansipanensis)
  • Cóc sừng khổng lồ (Megophrys gigantica)
  • Cóc sừng Hoàng Liên (Megophrys hoanglienensis)
  • Cóc sừng Jingdong (Megophrys jingdongensis)
  • Cóc sừng Mẫu Sơn (Megophrys maosonensis)
  • Cóc sừng trung gian (Megophrys intermedia)

Trong các bài báo mới được công bố, kích thước, tỉ lệ, màu sắc và các đặc điểm của nòng nọc đã được mô tả chi tiết. Đồng thời với việc xác định nòng nọc thuộc loài nào, nghiên cứu cũng mô tả phần miệng nhô cao chuyên biệt cho phép nòng nọc có thể ăn các mẩu nhỏ trôi nổi trên mặt nước. Do nòng nọc dễ tìm kiếm hơn cóc trưởng thành, việc mô tả chi tiết nòng nọc có thể hỗ trợ việc phát hiện loài. Trong thực tế, tại một địa điểm nghiên cứu, chúng tôi đã tìm thấy nòng nọc của 2 loài Megophrys gigantica Megophrys jingdongensis nhưng không hề quan sát được cá thể trưởng thành của loài tại thời điểm đó.

“Việc mô tả các đặc điểm hình thái của nòng nọc thuộc loài cóc sừng giống Megophrys không chỉ giải đáp các câu hỏi trên mà còn giúp chúng tôi hiểu hơn về đời sống, quá trình tiến hóa và lịch sử tự nhiên của loài.” anh Luân nói thêm.

Việc mô tả cũng cung cấp các thông tin hữu ích giúp đánh giá hiện trạng loài và mức độ bảo tồn dựa trên các tiêu chí theo Danh lục Đỏ IUCN, và qua đó trở thành căn cứ xây dựng các kiến nghị về quản lý đa dạng sinh học và bảo vệ loài đến chính quyền địa phương.

Bài báo mô tả 5 loài đầu là thành quả của nhiều tháng khảo sát và nghiên cứu được tiến hành trong khuôn khổ dự án được tài trợ bởi Quỹ Bảo tồn Ocean Park Hong Kong để khảo sát và bảo vệ hệ lưỡng cư tại dãy Hoàng Liên và dự án ZSL EDGE. Bài báo mô tả loài thứ sáu được hoàn thành nhờ tài trợ của Quỹ Nghiên cứu và khám phá của National Geographic (khoản tài trợ #NGS-52753R), vườn thú Cleveland Metroparks và Tổ chức Rainforest Trust.

Đọc thêm về các nghiên cứu tại:
https://www.mapress.com/j/zt/article/view/zootaxa.4845.1.3
https://www.mapress.com/j/zt/article/view/zootaxa.4845.1.2

Ngày 4/09/2020
Thông cáo báo chí: Bích Kiều & Nguyễn Thành Luân – ATP/IMC

Thư viện ảnh

No comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *