Mô tả nòng nọc của loài cóc mày Botsford đặc hữu và cực kỳ nguy cấp trên nóc nhà Đông Dương

Một tháng sau khi bài báo khoa học mô tả giai đoạn ấu trùng của sáu loài ếch thuộc họ Megophrys được công bố, nhóm nghiên cứu của chúng tôi vui mừng thông báo bài báo mô tả nòng nọc của loài cóc mày Botsford (Leptobrachella botsfordi) ở Việt Nam đã được đăng.

Với gần 300 loài lưỡng cư, Việt Nam được biết đến với sự phong phú về đa dạng sinh học trong khu vực Đông Nam Á. Đáng chú ý, 95 loài trong số đó là loài đặc hữu hoặc khu trú ở những khu vực rất nhỏ với kiến ​​thức về những loài này thường khá hạn chế.

Cóc mày Botsford (Leptobrachella botsfordi), được mô tả lần đầu tiên vào năm 2013, được tìm thấy trong một con suối nhỏ ở độ cao khoảng 2800m so với mực nước biển trên Fansipan – ngọn núi cao nhất Việt Nam. Đây là một trong hai loài ếch cực kỳ nguy cấp của Việt Nam và được xếp vào danh sách 100 loài lưỡng cư có tiến hóa đặc biệt và nguy cấp toàn cầu (EDGE). Khu vực nơi loài được tìm thấy đã bị xuống cấp và ô nhiễm nghiêm trọng do tác động của khai thác du lịch và phát triển cơ sở hạ tầng liên quan, ô nhiễm và khai thác sỏi để làm đường. Thật không may, dữ liệu về hệ sinh thái, tập tính sinh sản và các yêu cầu thiết yếu về môi trường sống của loài vẫn còn rất hạn chế.

Giai đoạn nòng nọc và cóc thể trưởng thành của Leptobrachella botsfordi. Ảnh: Nguyễn Thành Luân – ATP/IMC

Để làm sáng tỏ về loài ếch bí ẩn này, nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã thực hiện một số cuộc khảo sát trong năm 2017–2019 trên đỉnh Fansipan và các ngọn núi lân cận. Chúng tôi đã tìm thấy hai con nòng nọc của loài cóc mày Botsford ở độ cao thấp hơn [khu vực phân bố chuẩn] ở độ cao 2500 m và 2600 m. Những con nòng nọc này được tìm thấy vào ban đêm ở những con suối dốc, chảy xiết, và ở những vùng nước lạnh (9–13 ° C). Nòng nọc có cơ thể thon dài, lõm về phía sau; miệng tròn, đuôi dài gấp đôi chiều dài cơ thể, đầu đuôi tròn và đĩa miệng giống như cái chén, có tua với các nhú hình nón ngắn, nhọn. Nòng nọc cũng có thân hình từ nâu trắng đến xám với tròng đen, mang bên trong màu đỏ, đuôi màu xám đen đến nâu trắng, đầu đuôi màu nâu trắng.

Chúng tôi cũng phát hiện ra một quần thể mới cách 3,5 km và thấp hơn 300 m so với địa điểm loài được tìm thấy lần đầu tiên. Phát hiện này mở rộng phạm vi phân bố của loài từ 8 km2 lên 36 km2, mang lại nhiều hy vọng hơn cho sự tồn tại của loài.

Chúng tôi cũng nhận thấy rằng nòng nọc đã được tìm thấy ở địa điểm có độ cao thấp hơn so với khu vực cá thể trưởng thành được tìm thấy, nơi đá chưa bị khai thác. Điều này có thể cho thấy sự thiếu vắng sỏi tác động đến sự sinh sản của loài; việc loại bỏ sỏi cũng có thể tạm thời đình chỉ một lượng lớn trầm tích, dẫn đến giảm nồng độ oxy hòa tan và phù sa ở hạ lưu, có khả năng ảnh hưởng đến nòng nọc trên một khu vực rộng lớn hơn. Do đó, sỏi dùng cho xây dựng các con đường leo núi không nên lấy từ các con suối vốn là nơi sinh sản quan trọng của L. botsfordi và các loài lưỡng cư bị đe dọa khác.

Bài báo này là kết quả của nhiều tháng khảo sát và nghiên cứu hoàn thành trong khuôn khổ dự án được tại trở bởi Vườn thú Cleveland Metroparks, Quỹ Bảo tồn Công viên đại dương Hồng Kông và Quỹ EDGE of Existence của Hội động vật học Lôn Đôn (ZSL) nhằm khảo sát và bảo vệ hệ động vật lưỡng cư ở dãy Hoàng Liên.

Đọc báo cáo chi tiết: Nguyen, L. T., Tapley, B., Cutajar, T., Nguyen, C. T., Portway, C., Harding, L., Luong, V. H. & Rowley, J. J. (2020) A description of the tadpole of the Critically Endangered Botsford’s leaf-litter frog (Leptobrachella botsfordi) with comments on the distribution and conservation status of the species. Zootaxa 4860 (2): 293–300. https://doi.org/10.11646/zootaxa.4860.2.10

Ngày 12 tháng 10 năm 2020

Thông cáo báo chí: Nguyễn Thành Luân – ATP/IMC

No comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *