Quần thể Rùa đầu to được tìm thấy trong tình trạng khỏe mạnh ngoài tự nhiên sau 04 năm tái thả


28/06/2023

Trần Thị Tuyết Dung (ATP/IMC), Sầm Hải Sơn (ATP/IMC)

(Hà Nội)Rùa đầu to (Platysternon megacephalum) là một loài rùa độc đáo bởi sự khác biệt về hình thái tiến hóa, hiện được xếp vào danh mục loài Cực kỳ nguy cấp (CR). Loài này được tìm thấy với tần suất cao trong các vụ buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp trong những năm gần đây. Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP) thuộc Tổ chức Indo-Myanmar Conservation (IMC) và Trung tâm Bảo tồn Rùa- Vườn quốc gia Cúc Phương (TCC) đã tiến hành công tác cứu hộ loài này với số lượng lớn trong các vụ tịch thu. Sau một thời gian chăm sóc, hầu hết các cá thể đã được tái thả về môi trường sống thích hợp sau khi sàng lọc di truyền xác định phân loài đúng vùng phân bố và kiểm tra dịch tễ.

Sinh cảnh sống điển hình của rùa đầu to tại khu vực khảo sát. Ảnh: Sầm Hải Sơn (ATP/IMC)

Để hiểu rõ hơn về tỷ lệ sống sót của loài hậu tái thả, từ ngày 10 đến ngày 19/5/2023, ATP/IMC đã tiến hành khảo sát thực địa tìm kiếm Rùa đầu to (Platysternon megacephalum) tại VQG Pù Mát ở các địa điểm thả rùa vào năm 2019 và 2020. Bằng cách sử dụng bẫy thủy sinh không gây hại với thời gian đặt bẫy là 08 ngày, nhóm khảo sát đã tìm thấy 04 cá thể trưởng thành của loài này. Sau khi kiểm tra sức khỏe, kiểm tra chip định danh bằng máy đọc chuyên dụng (Tag Reader) và kiểm tra vết khắc mai, nhóm nghiên cứu xác nhận cả 4 cá thể đều là các cá thể được tái thả cách đây 3 – 4 năm. Cả bốn cá thể trên đều khỏe mạnh, không có dấu hiệu bị thương tích và có sự tăng trưởng rõ rệt về cân nặng. Đặc biệt, có hai cá thể, một cá thể đực và một cá thể cái trưởng thành được tìm thấy cùng lúc trong cùng một địa điểm, mặc dù được thả cách nhau 1.5 km vào năm 2019.

Những kết quả này chỉ ra rằng quần thể rùa đầu to (Platysternon megacephalum) được tái thả tại khu vực này đang phát triển và sinh trưởng tốt, góp phần khẳng định công tác bảo vệ hiệu quả đến từ Vườn quốc gia và các tổ chức khác đang cùng hợp tác để bảo vệ khu vực này.

Một cá thể rùa đầu to đang được kiểm tra chip định danh bằng máy đọc chuyên dụng. Ảnh: Sầm Hải Sơn (ATP/IMC)
Một cá thể rùa đầu to được thả về tự nhiên sau khi hoàn tất việc kiểm tra sức khỏe và chip định danh. Ảnh: Sầm Hải Sơn (ATP/IMC)

Bên cạnh các hoạt động thực địa tại vùng lõi, nhóm công tác cũng đồng thời thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng như các buổi họp dân và các chương trình trường học trong vùng đệm để nâng cao nhận thức của người dân địa phương về bảo tồn rùa, tập trung vào hai loài cực kỳ nguy cấp, gồm Rùa đầu to (Platysternon megacephalum) và rùa hộp trán vàng miền Bắc (Cuora galbinifrons). 372 người dân địa phương từ sáu xã đã tham gia cuộc họp với chủ đề về pháp luật bảo vệ loài rùa và thực trạng bảo tồn của hai loài rùa kể trên. Ngoài ra, tổng cộng 700 học sinh từ bốn trường Trung học cơ sở (Tam Đình, Châu Cam, Môn Sơn và Yên Khê) đã tham gia buổi triển lãm (676 học sinh) và 448 học sinh ở bốn trường đã tham gia một buổi trò chuyện về bảo tồn rùa.

Các em học sinh tại Trường THCS Tam Đình tham gia vào các hoạt động triển lãm. Ảnh: Trần Thị Tuyết Dung (ATP/IMC)
Một buổi họp cộng đồng do nhóm công tác ATP/IMC tổ chức tại bản Lục Sơn, thuộc vùng đệm VQG Pù Mát. Ảnh: Lê Thị Thảo (ATP/IMC)

Chúng tôi hy vọng rằng các hoạt động khảo sát thực địa và tuyên truyền tại khu vực VQG Pù Mát sẽ nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân địa phương về các loài rùa cạn và rùa nước ngọt tại khu vực này, góp phần bảo vệ rùa khỏi nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai gần.

Chúng tôi xin cảm ơn Vườn quốc gia Pù Mát đã hỗ trợ nhóm nghiên cứu rất nhiều trong công tác khảo sát thực địa. Cảm ơn Quỹ Hệ Sinh Thái Trọng Yếu (CEPF) và USFWS, đã hỗ trợ dự án và tất cả các đối tác đã đồng hành cùng chúng tôi trong công tác bảo tồn rùa.

Để có thêm thông tin, vui lòng liên hệ

Chương trình bảo tồn rùa châu Á (ATP), Tổ chức Indo-Myanmar Conservation (IMC)

R1806, CT1, Tòa nhà C14 Bắc Hà, Tố Hữu, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội

Điện thoại: +84 (4) 7302 8389

Email:  info@asianturtleprogram.org

No comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *