Khảo sát phỏng vấn tìm kiếm thông tin về loài rùa Trung Bộ tại tỉnh Bình Định


08/11/2023

Trần Thị Tuyết Dung (ATP/IMC), Trần Ngọc Hằng (ATP/IMC)

Bình Định là tỉnh ven biển nằm ở phía bắc khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, miền Trung của Việt Nam. Cho đến nay, tỉnh Bình Định có 17 loài rùa cạn và nước ngọt, trong đó có Rùa Trung Bộ – loài rùa đặc hữu của Việt Nam. Một đợt khảo sát nhanh của Chương trình bảo tồn rùa châu Á (ATP) thuộc Tổ chức Indo-Myanmar Conservation (IMC) năm 2009 đã ghi nhận một số thông tin, mẫu vật về loài rùa này tại các huyện Tuy Phước và Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Tháng 8/2022, IMC phối hợp cùng Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) đã xây dựng đề án thành lập Cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học tập trung vào công tác bảo tồn và  nhân nuôi rùa Trung Bộ tại ICISE. 

Với mục đích bổ sung thông tin cho các hoạt động bảo tồn rùa Trung Bộ tại tỉnh Bình Định , đồng thời đánh giá lại đa dạng các loài rùa cạn và rùa nước ngọt khác trên địa bàn, từ ngày 08 đến ngày 15 tháng 06 năm 2023, nhóm nghiên cứu của IMC đã tiến hành 63 cuộc khảo sát phỏng vấn tại 1 thành phố, 2 thị trấn và 8 huyện của tỉnh Bình Định gồm thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, thị xã Hoài Nhơn và các huyện Phù Cát, Tuy Phước, Phù Mỹ, An Lão, Hoài Ân, Vân Canh, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh. Kết quả, chúng tôi đã ghi nhận 11 loài rùa cạn và rùa nước ngọt tại tỉnh Bình Định dựa trên thông tin, mẫu vật và ảnh cung cấp bởi người dân địa phương, bao gồm loài rùa đất Pulkin (Cyclemys pulchristriata), rùa hộp trán vàng miền Trung (Cuora bourreti), rùa sa nhân (Cuora mouhotii), rùa hộp ba vạch (Cuora cyclornata), rùa đất lớn (Heosemys grandis), rùa cổ sọc (Mauremys sinensis), rùa bốn mắt (Sacalia quadriocellata), ba ba bụng đốm (Pelodiscus variegatus), rùa núi viền (Manouria impressa), rùa núi vàng (Indotestudo elongata) và rùa Trung Bộ (Mauremys annamensis).So với danh lục trước đây của tỉnh, có 1 loài bổ sung qua khảo sát này là loại ba ba bụng đốm (Pelodiscus variegatus). Loài này dễ nhầm lẫn với loài ba ba trơn (Pelodiscus sinensis) là loài được nuôi thương phẩm trong các trang trại ở Việt Nam.

Hồ Suối Tri, huyện Phù Cát, nơi từng ghi nhận loài rùa Trung Bộ (Mauremys annamensis) trước đây. Ảnh: Dung Trần (ATP/IMC)
Một vùng sinh cảnh điển hình của loài rùa Trung Bộ tại địa phương. Ảnh: Hằng Trần (ATP/IMC)

Trong số 11 địa phương khảo sát, huyện Vân CanhAn Nhơn là khu vực ghi nhận nhiều loài nhất với 08 loài, kế đó là huyện Phù Cát và Phù Mỹ với 6 loài. Huyện Hoài Nhơn có ghi nhận ít nhất với 2 loài rùa.Đáng chú ý, nhóm khảo sát đã ghi nhận 15 cá thể rùa Trung Bộ (Mauremys annamensis) trong nhà một hộ dân ở huyện Phù Mỹ. Được biết, những cá thể rùa được người này mua từ các trang trại nuôi nhốt động vật hoang dã. Các thông tin về nguồn gốc xuất xứ và tình trạng hợp pháp của các cá thể này đang được cơ quan chức năng làm rõ.Kết quả khảo sát cũng cho thấy, huyện Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn là nơi vẫn còn những thông tin tốt về loài rùa Trung bộ ngoài tự nhiên. Chúng tôi đã thu thập 16 mẫu gene môi trường (eDNA) nhằm tìm kiếm sự có mặt của loài rùa Trung Bộ tại các khu vực tiềm năng tại tỉnh Bình Định.Những kết quả trên góp phần cập nhật vùng phân bố và hiện trạng loài rùa Trung bộ (Mauremys annamensis) cũng như các loài rùa cạn và rùa nước ngọt khác để làm cơ sở cho các hoạt động bảo tồn, tái thả, truyền thông và giáo dục cộng đồng tại Bình Định trong tương lai.

Rùa Trung Bộ (Mauremys annamensis) là một loài đặc hữu chỉ có phân bố ở các vùng đất thấp Việt Nam từ Đà Nẵng tới Phú Yên và một phần tỉnh Đắk Lắk. Loài rùa này được xếp hạng Rất nguy cấp (CR) trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục Đỏ thế giới (IUCN), nằm trong nhóm IB, Nghị định 06/2019/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 84/2021/NĐ-CP, và liệt kê trong Nghị định 160/2013/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 64/2019/NĐ-CP. Bên cạnh đó, loài rùa đặc hữu này cũng được ưu tiên bảo tồn trong Chương trình bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam đến năm 2025 (Quyết định 1176/QĐ-TTg ngày 12 tháng 09 năm 2019).

Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Định đã tạo điều kiện cho khảo sát này. Khảo sát được tài trợ bởi Cục Cá và Động vật hoang dã Hoa Kỳ (USFWS), Vườn thú Cleveland Metropark (CMZ), và Quỹ đối tác hệ sinh thái trọng yếu (CEPF) trong khuôn khổ dự án “Bảo tồn các loài rùa cạn và rùa nước ngọt nguy cấp ở Việt Nam”

Phỏng vấn một người dân ở tỉnh Bình Định. Ảnh: Hằng Trần (ATP/IMC)

Những cá thể Rùa Trung Bộ (Mauremys annamensis) được ghi nhận ở huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Ảnh: Dung Trần (ATP/IMC)

Để có thêm thông tin chi tiết, xin vui lòng liên hệ:

Chương trình bảo tồn rùa Châu Á (ATP) ,Tổ chức Indo-Myanmar Conservation (IMC).

Phòng 1806, CT1, Tòa nhà C14 Bắc Hà, Tố Hữu, Nam Từ Liêm, Hà Nội

Điện thoại: +84 (4) 7302 8389

Emailinfo@asianturtleprogram.org

Websites

www.asianturtleprogram.org

www.indomyanmarconservation.org

No comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *