Khảo sát thực địa bổ sung thêm dữ liệu về đa dạng sinh học của khu vực Đèo Cả, miền Trung Việt Nam
Rừng Đèo Cả nằm ở phía Đông Bắc của Cao nguyên Langbian, thuộc địa phận ba tỉnh miền Trung Việt Nam: Phú Yên, Khánh Hòa và Đắk Lắk. Đây là khu vực phân bố tự nhiên duy nhất được biết đến của loài rùa hộp trán vàng miền Nam (Cuora picturata) đặc hữu và cực kỳ nguy cấp. Khu vực này cũng có mức độ đa dạng động, thực vật cao với nhiều loài được phát hiện mới và mô tả hàng năm. Hầu hết các khu vực rừng ở Đèo Cả đều là rừng phòng hộ đầu nguồn, có mức độ bảo vệ thấp ở Việt Nam (mức độ bảo vệ cao nhất là Vườn quốc gia, sau đó là khu dự trữ thiên nhiên hay khu bảo tồn thiên nhiên).
Kể từ năm 2012, Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP) thuộc Tổ chức Indo-Myanmar Conservation (IMC) đã phối hợp với các đối tác địa phương để trong công tác nghiên cứu và bảo tồn các loài rùa cạn và rùa nước ngọt (TFT) ở khu vực này. Mười cuộc khảo sát thực địa đã được thực hiện để khám phá và nêu bật giá trị đa dạng sinh học của rừng Đèo Cả.
Vào tháng 3 năm 2021, một cuộc khảo sát đa dạng sinh học kéo dài hai tuần đã được nhóm nghiên cứu của ATP thực hiện tại hai huyện Tây Hòa và Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Đợt khảo sát này không chỉ tập trung vào các loài TFT mà còn mở rộng với các nhóm loài khác như lưỡng cư, bò sát, thú và chim. Cuộc khảo sát này cũng tập trung vào các vùng đất ngập nước và đầm lầy/suối bên dọc rừng đặc dụng Đèo Cả. Trong quá trình khảo sát, 70 bẫy thủy sinh không gây hại đã được đặt tại hai địa điểm ưu tiên để tìm kiếm các loài rùa cạn và rùa nước ngọt, và 30 bẫy ảnh được đặt trong rừng. Vào ban đêm, các cuộc khảo sát theo tuyến đã được thực hiện để tìm các loài lưỡng cư và bò sát.
Một cá thể rùa đất Pulkin (Cyclemys pulchristriata) đã được ghi nhận trong quá trình đặt bẫy. Trong khi đó, 70 loài chim đã được quan sát và chụp ảnh cùng với 60 loài lưỡng cư và bò sát đã được ghi nhận. Trong số các loài đã được ghi nhận, nhiều loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (ví dụ: Tắc kè (Gekko gekko) – Sắp nguy cấp; cóc rừng (Ingerophrynus galeatus) – Sắp nguy cấp; rắn hổ trâu (Ptyas mucosa) – Nguy cấp). Hai loài rùa đất Pulkin (Cyclemys pulchristriata) và rắn hổ trâu (Ptyas mucosa) được bảo vệ trong Nghị định 06/2019/NĐ-CP và Phụ lục II của Công ước CITES. Đáng chú ý, sáu cá thể cu li lớn (Nycticebus bengalensis), bao gồm cả hai con non, đã được quan sát và chụp ảnh vào ban đêm. Những cá thể này được tìm thấy trong khu rừng thường xanh trong rừng đặc dụng Đèo Cả. Những kết quả này giúp làm nổi bật sự đa dạng và tầm quan trọng của khu vực rừng đặc dụng Đèo Cả và góp phần hỗ trợ cho việc nâng hạng mức độ bảo vệ của khu vực này.
Ngày 7/5/2021
Thông cáo báo chí: Nguyễn Thành Luân & Kiều Ngọc Bích – ATP/IMC
Cảm ơn:
Cuộc khảo sát là một phần của các dự án bảo tồn do vườn thú Cleveland Metroparks và Quỹ Mekong WET tài trợ. Quỹ Mekong WET được tài trợ và quản lý bởi tổ chức IUCN và Quỹ Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI) của Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên, Xây dựng và An toàn hạt nhân (BMUB) của Liên bang Đức .
Chúng tôi cũng xin chân thành cảm ơn Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đã tạo điều kiện thuận lợi để cuộc khảo sát diễn ra thành công.
No comment