Khảo sát thực địa tại Vườn quốc gia Phong Nha –Kẻ Bàng (Việt Nam)

This juvenile Indochinese box turtle (Cuora galbinifrons) was found under a large tree in primary forest of Phong Nha – Ke Bang National Park after a heavy rain during time-searched survey. Photo by: Nguyen Tai Thang – ATP/IMC.


Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (PNKB) được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới vào năm 2003. Vườn Quốc gia này cũng nổi tiếng với các dãy núi và hang động đá vôi, mức độ đa dạng sinh học và tính đặc hữu cao. Nằm ở huyện Bố Trạch và Minh Hóa thuộc tỉnh Quảng Bình, với diện tích 123,326 héc-ta, PNKB là một trong những dãy núi đá vôi được hình thành lâu đời nhất (khoảng 400 triệu năm trước) ở khu vực châu Á.

Năm 2015, Chương trình bảo tồn rùa Châu Á thuộc Tổ chức Indo-Myanamr Conservation (IMC) đã tiến hành một cuộc khảo sát phỏng vấn nhằm thu thập thông tin về sự phân bố và tình trạng buôn bán của các loài rùa cạn và rùa nước ngọt ở tỉnh Quảng Bình. Trong chuyến khảo sát sơ bộ này, chúng tôi đã ghi nhận 02 loài rùa cực kỳ nguy cấp (rùa hộp trán vàng miền Bắc (Cuora galbinifrons)và rùa hộp trán vàng miền Trung(Cuora bourreti)) đang bị nuôi nhốt tại nhà dân thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia PNKB. Ngoài ra, tỉnh Quảng Bình còn là nơi giao thoa phân bố của phân loài sa nhân miền Bắc (Cuora mouhotii mouhotii), rùa hộp trán vàng miền Bắc (Cuora galbinifrons) ở phía bắc và và phân loài rùa sa nhân miền Nam (Cuora mouhotii obsti), rùa hộp trán vàng miền Trung (Cuora bourreti)  ở phía Nam.

Với nhiệm vụ trọng tâm là xác nhận sự tồn tại của các loài rùa nguy cấp và bị đe dọa cao ngoài tự nhiên và xác định vùng giao thoa phân bố của các quần thể rùa ưu tiên tại tỉnh Quảng Bình, ATP đã tiến hành một cuộc khảo sát thực địa trong thời gian 8 ngày vào tháng 3/2017 tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng. Kết thúc đợt khảo sát, hơn 50 loài bò sát, ếch nhái đã được ghi nhận. Trong suốt thời gian khảo sát, cán bộ điều tra thực địa của ATP cũng đã ghi nhận 01 cá thể rùa hộp trán vàng miền Bắc (Cuora galbinifrons) cực kì nguy cấp. Bên cạnh đó, đoàn khảo sát cũng ghi nhận một số loài bò sát quan trọng khác của Vườn Quốc gia như loài Tắc kè lưng nhẵn (Gekko scientiadventura), Thạch sùng ngón Phong Nha – Kẻ Bàng (Cyrtodactylus phongnhakebangensis), Thằn lằn tai Nogi (Tropidophorus noggei) trong khuôn khổ đợt khảo sát này. Các loài bò sát trên đều là những loài đặc hữu chỉ xuất hiện tại hang núi đá vôi ở VQG Phong Nha – Kẻ Bàng. Thật đáng tiếc, không có cá thể rùa sa nhân nào được ghi nhận trong chuyến khảo sát này.

Về công tác quản lý, bảo vệ bảo vệ rừng, chúng tôi cảm thấy thật may mắn khi được ghé thăm một trong những khu rừng được bảo vệ tốt nhất mà chúng tôi từng khảo sát, mọi hành vi khai thác gỗ và săn bắn trái phép đều bị nghiêm cấm tại khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng.

Thông cáo báo chí: Hoàng Văn Hà & Nguyễn Thành Luân – ATP/IMC
Ngày: 25/04/2017

Tải tài liệu tiếng Anh tại đây 

Tải tài liệu tiếng Việt tại đây

Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam, VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đã hỗ trợ chúng tôi hoàn thành các giấy tờ thủ tục cần thiết trong suốt chuyến khảo sát này. Chúng tôi cũng xin gửi lời cảm ơn tới Ông Bùi Ngọc Thành và Ông Nguyễn Văn Dương – cán bộ tại VQG PNKB và 04 người dân địa phương đã tích cực hỗ trợ đoàn trong chuyến khảo sát. Chúng tôi cũng xin chân thành cảm ơn Vườn thú Cleveland Metroparks đã hỗ trợ chúng tôi tiến hành chuyến khảo sát.

 

 

Thư viện ảnh

Bữa trưa nhanh trong chuyến khảo sát.
Ảnh: Nguyễn Tài Thắng – ATP/IMC
Thạch sùng ngón Phong Nha – Kẻ Bàng (Cyrtodactylus phongnhakebangensis), loài bản địa ở khu vực VQG Phong Nha – Kẻ Bàng. Loài này được phát hiện và được mô tả bởi một nhóm chuyên gia gồm 03 nhà khoa học người Đức và 01 nhà khoa học người Việt Nam vào năm 2002. Ảnh: Nguyễn Thành Luân – ATP/IMC.

No comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *