Công bố khoa học về tình trạng săn bắt và buôn bán rùa đầu to tại hai khu bảo tồn ở miền Bắc Việt Nam

Vào ngày 10 tháng 8 năm 2021, một bài báo khoa học mới được viết bởi Chương trình Bảo tồn rùa châu Á (ATP) thuộc Tổ chức Indo-Myanmar Conservation (IMC) và các đối tác đã được công bố trên tạp chí Herpetology Notes. Bài báo trình bày những kết quả trong nghiên cứu đánh giá mối đe dọa đối với rùa đầu to ở miền Bắc Việt Nam, nằm trong khuôn khổ của Chương trình EDGE of Existence Program Fellowship của ATP/IMC do anh Hoàng Văn Hà phụ trách và một dự án lớn khác nhằm đánh giá các chiến lược tái thả cho các cá thể rùa đầu to (Platysternon megacephalum) bị tịch thu tại Việt Nam. Công bố này mang ý nghĩa quan trọng khi loài rùa này vừa mới được nâng hạng hiện trạng bảo tồn lên Rất nguy cấp theo Danh lục Đỏ IUCN vào năm 2021.

Hai trong số bảy cá thể rùa đầu to (Platysternon megacephalum) được nuôi nhốt tại một hộ gia đình tại địa bàn Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu. Ảnh: Hoàng Văn Hà – ATP/IMC.

Kết quả phỏng vấn 31 thợ săn, nhà buôn rùa đầu to và nông dân quanh Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu và Vườn Quốc gia Pù Mát, miền Bắc Việt Nam, cho thấy nạn săn bắn và buôn bán trái phép loài rùa này đã bắt đầu diễn ra trong khu vực từ hơn 20 năm trước, trùng với thời kỳ cao trào của cuộc khủng hoảng rùa châu Á, với sự sụt giảm được ghi nhận ở nhiều quần thể rùa hoang dã ở châu Á. Những người được hỏi nói rằng mùa săn bắt chính diễn ra từ tháng 3 đến tháng 9 và trúm tre truyền thống (dụng cụ thường được sử dụng để bắt lươn) được coi là công cụ săn bắt hiệu quả nhất.

Sau giai đoạn bị săn bắt mạnh mẽ vào cuối những năm 1990, đầu những năm 2000, khối lượng rùa đầu to (P. megacephalum) bị săn bắt và buôn bán đã suy giảm đáng kể khi quần thể rùa hoang dã đã cạn kiệt. Điều này có liên quan đến giá trị kinh tế gia tăng của loài ở thị trường bất hợp pháp, theo đó một kg rùa có giá trị cao hơn thu nhập bình quân hàng tháng của người dân địa phương.

Trúm tre được làm bởi thợ săn để bắt rùa đầu to ở Vườn Quốc gia Pù Mát và Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu. Ảnh: Hoàng Văn Hà – ATP/IMC.
Khối lượng rùa đầu to, Platysternon megacephalum, bị săn bắt tại Vườn Quốc gia Pù Mát và Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu có sự biến động lớn trong thời gian qua. Mỗi thang màu thể hiện dữ liệu từ một thợ săn. Ảnh: Hoàng Văn Hà – ATP/IMC.
Khối lượng rùa đầu to, Platysternon megacephalum, bị buôn bán bởi nhà buôn cũng thay đổi đáng kể trong các giai đoạn khác nhau tại Vườn Quốc gia Pù Mát và Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu. Ảnh: Hoàng Văn Hà – ATP/IMC.

Mặc dù tất cả những người được hỏi thừa nhận rằng họ biết về tình trạng bảo vệ của các loài rùa nước ngọt, việc thực thi pháp luật bảo vệ loài vẫn chưa được chú trọng và còn nhiều hạn chế. Giá trị kinh tế cao và việc săn bắt loài dễ dàng trong sinh cảnh sống tự nhiên đòi hỏi cần có các biện pháp tăng cường trong công tác thực thi pháp luật để bảo vệ các quần thể còn lại trong cả hai khu vực được khảo sát.

Đọc thêm nghiên cứu tại: https://www.biotaxa.org/hn/article/view/66726.

Chúng tôi chân thành cảm ơn Quỹ bảo tồn Fondation Segré và Chương trình EDGE of Existence, Hội động vật học Luân Đôn (ZSL), Vườn thú Paignton Zoo, Vườn thú Nordens Ark, Viện Tài nguyên và Môi trường (CRES), Vườn Quốc gia Cúc Phương, Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu và tất cả các nhà tài trợ và đối tác đã và đang hỗ trợ chúng tôi trong dự án này.

Ngày 12 tháng 08 năm 2021
Thông cáo báo chí: Sầm Hải Sơn & Jack Carney – ATP/IMC

No comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *