Một loài cóc mày mới được tìm thấy ở Việt Nam

Gần một năm sau công bố khoa học mô tả hình thái con non (nòng nọc) của loài cóc mày Botsford tại Việt Nam, vào tháng 8 năm 2021, chúng tôi vui mừng đón nhận thêm một thành viên mới của họ cóc mày Leptobrachella, cóc mày Pu Ta Leng (Leptobrachella graminicola). Loài con tí hon này, với kích thước cơ thể chỉ dài 2-3cm, chỉ mới được ghi nhận tại một con suối nhỏ ở độ cao 2,300m trong vùng rừng núi thuộc đỉnh Pu Ta Leng, dãy Hoàng Liên, Việt Nam.

Cá thể cái của loài cóc mày Pu Ta Leng (Leptobrachella graminicola). Ảnh: Nguyễn Thành Luân – ATP/IMC

Mô tả đầu tiên về cóc mày Pu Ta Leng (Leptobrachella graminicola) được công bố tại tập san khoa học Zootaxa vào ngày 6 tháng 8 năm 2021, là thành quả của của nghiên cứu bắt đầu vào năm 2019 với việc lần đầu tiên ghi nhận loài ngoài tự nhiên. Đội ngũ nghiên cứu gồm các nghiên cứu viên của ATP/IMC cũng như các nhà nghiên cứu từ Hội Động vật học Luân Đôn, Anh, Bảo tàng quốc gia Úc và Vườn quốc gia Hoàng Liên, Việt Nam, đã tập trung nghiên cứu và bảo tồn hai loài lưỡng cư rất nguy cấp, loài cóc mày Botsford (Leptobrachella botfordi) và cóc răng Sterling (Oreolalax sterlingae). Tuy nhiên, phạm vi công việc của nhóm còn mở rộng hơn, góp phần khám phá sâu hơn về hệ sinh thái rộng lớn ở đây, bao gồm mô tả năm loài lưỡng cư mới trong dãy Hoàng Liên, miền bắc Việt Nam tính từ năm 2015.

Tất cả các cá thể của loài mới được quan sát ở trên tán cỏ dọc suối. Ảnh: Nguyễn Thành Luân – ATP/IMC

Thật vậy, một cuộc thám hiểm nhỏ do Nguyễn Thành Luân, cán bộ nghiên cứu khoa học của ATP/IMC dẫn đầu, trên đỉnh Pu Ta Leng, ngọn núi cao thứ hai ở Việt Nam, nhằm tìm kiếm loài cóc mày Botsford. Với chiều cao 3.049 m, ngọn núi này không phải là một địa điểm thuận lợi cho các nhà khoa học tiến hành khảo sát thực địa, do độ cao, độ dốc lớn, nhiệt độ thấp và độ ẩm cao quanh năm. Trong khi đội nghiên cứu không tìm thấy loài mục tiêu, họ đã tìm thấy một quần thể nhỏ của một loài lưỡng cư bí ẩn cùng giống. Mặc dù các đặc điểm hình thái của nó dường như giống với một loài họ hàng khác, L. bourreti, phân tích sâu về hình thái và di truyền đã xác nhận rằng đó là một loài chưa được mô tả. Loài mới đã được đặt tên, là cóc mày Pu Ta Leng (Leptobrachella graminicola).

Cả hai tên khoa học và thông thường của loài đều thể hiện một khía cạnh về môi trường sống nơi loài được tìm thấy. Tên thông thường, cóc mày Pu Ta Leng, được tham chiếu theo núi Pu Ta Leng. Tên khoa học, Leptobrachella graminicola, đề cập đến tán cỏ, vi sinh cảnh nơi loài được quan sát; cụ thể graminicola bắt nguồn từ tiếng Latin ‘gramineus‘ có nghĩa ‘giống cỏ’ và từ ‘incola’ mang nghĩa ‘khu vực sống’.

Khám phá này một lần nữa nhấn mạnh sự độc đáo nhưng dễ bị tác động về đa dạng sinh học của dãy Hoàng Liên. Khu vực này là nơi cư trú của hơn 85 loài lưỡng cư, nhiều trong số đó có nguy cơ tuyệt chủng. Mặc dù nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã thực hiện một số cuộc khảo sát lưỡng cư trong khu vực, dữ liệu về các loài lưỡng cư, chẳng hạn như vòng đời, sinh thái học, phạm vi phân bố, độ cao phân bố, tập tính sinh sản và các mối đe dọa tiềm ẩn, vẫn chưa được biết đến hoặc vẫn còn rất hạn chế với giới khoa học. Do đó, cần tiến hành các nghiên cứu sâu để mở rộng sự hiểu biết của chúng ta về loài mới này và hệ động vật lưỡng cư đa dạng trong khu vực.

Loài mới có khả năng sống phụ thuộc chủ yếu vào rừng và có phạm vi phân bố hạn chế và do đó, giống như nhiều loài họ hàng, có nguy cơ tuyệt chủng cao do sự mất môi trường sống và các hoạt động của khách du lịch. Một tuyến đường leo núi và nhiều lán trại để phục vụ khách du lịch đã được xây dựng gần địa điểm tìm thấy của loài dù nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát. Chúng tôi cũng hy vọng rằng phát hiện này sẽ thu hút nhiều sự quan tâm từ chính quyền địa phương và nhấn mạnh sự cần thiết của hành động khẩn cấp để bảo vệ sinh cảnh sống và quản lý tốt hơn hoạt động khai thác du lịch để bảo tồn đa dạng sinh học của dãy Hoàng Liên.

Cá thể đực của loài cóc mày Pu Ta Leng (Leptobrachella graminicola). Ảnh: Nguyễn Thành Luân – ATP/IMC
Sinh cảnh sống của loài mới trên đỉnh Pu Ta Leng. Ảnh: Nguyễn Thành Luân – ATP/IMC

Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Hội Động vật học Luân Đôn, Bảo tàng quốc gia Úc, và Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã phối hợp thực hiện nghiên cứu này. Chúng tôi cũng cảm ơn Ban lãnh đạo và các cán bộ Vườn Quốc gia Hoàng Liên và Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát đã hỗ trợ và cấp giấy phép cho các đợt khảo sát thực địa. Hơn hết, chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Vườn thú Cleveland Metroparks, Quỹ Ocean Park Conservation Foundation Hong Kong (dự án AM01.1718) và quỹ EDGE of Existence Fellowship của Hội động vật học Luân Đôn và tất cả các nhà tài trợ và đối tác đã ủng hộ dự án này.

Đọc thêm về công bố khoa học tại: Nguyen, L.T., Tapley, B., Nguyen, C.T., Luong, H.V. & Rowley, J.J.L. (2021) A new species of Leptobrachella (Anura, Megophryidae) from Mount Pu Ta Leng, northwest Vietnam. Zootaxa 5016, 301–332. https://doi.org/10.11646/ZOOTAXA.5016.3.1

Ngày: 12/08/2021
Thông cáo báo chí: Nguyễn Thành Luân & Bích Kiều – ATP/IMC

No comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *