Phát hiện một loài ếch mới - nhấn mạnh tầm quan trọng của rừng đất thấp miền nam Việt Nam

Ếch nhẽo Phú Yên, Limnonectes phuyenensis, vừa được ghi nhận và đặt tên theo khu vực phân bố loài tại Đèo Cả, tỉnh Phú Yên, Việt Nam. Loài này đã được phát hiện bởi một nhóm nghiên cứu bao gồm các cán bộ của Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á thuộc Tổ chức Indo-Myanmar Conservation. Loài này sinh sống trong các khu rừng thường xanh ở vùng đất thấp và sinh sản tại các khu vực nước đầu nguồn với độ cao thấp khoảng trên 300m.

Cá thể trường thành có thể dài tới 8 cm ở con đực và 6 cm ở con cái. Loài này có thể phân biệt với các loài khác trong giống nhờ các đặc điểm bao gồm: màng nhĩ ẩn dưới da, da lưng có các gờ và mụn nhỏ, đùi có các mụn cóc phát triển và màng bơi giữa các ngón chân sau phát triển hoàn toàn tới mút ngón.Loài này có lưng màu nâu vàng với các đốm màu nâu sẫm và bụng màu trắng với các đốm màu nâu. Loài sinh sản ở khu vực suối đầu nguồn; con cái thường đẻ trứng trong các vũng nước nhỏ, nông hoặc trong các dòng suối.

Một cá thể ếch nhẽo Phú Yên, Limnonectes phuyenensis, trong môi trường sống tự nhiên. Ảnh: Nguyễn Thành Luân – ATP/IMC.

Ếch nhẽo Phú Yên là đại diện điển hình của giống ếch nhẽo, một giống ếch đa dạng với 75 loài đã được ghi nhận, phân bố chủ yếu ở châu Á. Giống này được đặt tên theo đặt điểm chính có “răng nanh” ở hàm dưới của chúng. Mô tả về loài mới này đã nâng tổng số loài thuộc giống ở Việt Nam lên 15 loài và điều thú vị là đây cũng là ghi nhận sự phân bố xa nhất về phía Nam của giống ếch này tại Việt Nam.

Đèo Cả cũng là sinh cảnh sống duy nhất của một loại rùa đặc hữu và cực kỳ nguy cấp, loài rùa hộp trán vàng miền Nam (Cuora picturata). Đáng buồn thay, Đèo Cả không phải là một khu Bảo tồn thiên nhiên hay Vườn quốc gia, do đó không có nguồn nhân lực, trang thiết bị hay cơ sở vật chất thiết yếu như ở một số khu vực/sinh cảnh được bảo vệ ở mức cao khác. Điều này cũng đồng nghĩa với việc là một số hoạt động khai thác gỗ và săn bắt vẫn được phép tiến hành trong khu vực này.

Vi sinh cảnh sống của loài ếch nhẽo Phú Yên (Limnonectes phuyenensis) ở Đèo Cả, tỉnh Phú Yên, miền trung Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Thành Luân – ATP/IMC.

Phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng và sự đa dạng sinh học của rừng đất thấp ở khu vực rừng Đèo Cả. Hiện ATP/IMC đang phối hợp với các đối tác tại khu vực như Viện Sinh thái học miền Nam (SIE) và các cơ quan chính quyền địa phương và nhà nước để hỗ trợ nâng cấp hiện trạng bảo vệ của khu vực Đèo Cả trong tương lai gần.

Nghiên cứu này được thực hiện trong khuôn khổ hoạt động hợp tác của các nhà khoa học thuộc Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP) thuộc Tổ chức Indo-Myanmar Conservation (IMC), Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Tài nguyên và Môi trường miền Trung, Đại học Phú Yên, và vườn thú AG Zoologischer Garten Köln (Đức).

Đây là kết quả của nhiều tháng khảo sát và nghiên cứu được hoàn thành trong khuôn khổ dự án được tài trợ bởi Quỹ National Geographic Research and Exploration (tài trợ # NGS-52753R), vườn thú Cleveland Metroparks (CMZ) và quỹ Rainforest Trust.

Ảnh chụp hai cá thể cái và một cá thể đực của loài loài ếch nhẽo Phú Yên (Limnonectes phuyenensis) trong môi trường sống tự nhiên, thể hiện tập tính sinh sản của loài này ở các dòng suối nông. Ảnh: Nguyễn Thành Luân – ATP/IMC.
Sinh cảnh sống của loài Limnonectes phuyenensis ở Đèo Cả, tỉnh Phú Yên, miền nam Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Thành Luân – ATP/IMC.

Ngày 25 tháng 11 năm 2020
Thông cáo báo chí: Nguyễn Thành Luân và Bích Kiều – ATP / IMC

No comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *