Vụ tịch thu loài rùa đầu to lớn nhất từ trước đến nay ở tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam

The most magnificent animal in the shipment must have lived happily in the wild for decades, hopefully, it can be in the wild again next year. Photo by: Pham Van Thong – ATP/IMC.


Vào ngày 05 tháng 11 năm 2016, Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Quảng Ninh nơi có đường biên giới với Trung Quốc đã thu giữ 105 cá thể rùa đầu to (Platysternon megacephalum) và 149 cá thể tê tê Java (Manis javanica) với tổng trọng lượng 738 kg cùng với 172 kg vảy tê tê (chưa xác định được loài). Các tang vật này đã được vận chuyển trái phép trong một xe tải đông lạnh (BKS: 92C-09397) từ tỉnh Quảng Nam ra cửa khẩu Móng Cái. Điều tra sơ bộ cho thấy số tang vật này được chuyển lên xe từ tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, miền Trung Việt Nam.

Cùng ngày, 89 cá thể rùa đầu to với tổng trọng lượng khoảng 40kg và 12 cá thể tê tê Java với trọng lượng 51 kg đã được chuyển giao cho Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội ở huyện Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội. Thật đáng buồn, 16 cá thể rùa đầu to và 137 cá thể tê tê đã chết trước khi chuyển giao do điều kiện nuôi nhốt tồi tệ trong vụ vận chuyển trái phép.

Vào ngày 09 tháng 11 năm 2016, 74 cá thể rùa đầu to đã được chuyển giao cho Trung tâm bảo tồn Rùa (TCC) thuộc Vườn Quốc gia Cúc Phương. Chương trình Bảo tồn rùa châu Á (ATP) thuộc Tổ chức Indo-Myanmar Conservation (IMC) đã làm việc không ngừng nghỉ để chuẩn bị các trang thiết bị và cơ sở vật chất tại khu cách ly phục vụ công tác cứu hộ. Tuy nhiên với hơn 180 cá thế được chuyển giao từ các vụ tịch thu trong vài tháng trở lại đây và hiện đang được chăm sóc tại khu cách ly và với tổng số trên 1000 cá thể hiện có tại trung tâm, trung tâm đang trong tình trạng quá tải. Trung tâm hy vọng sẽ tiến hành thả lại tự nhiên một số cá thể rùa trong mùa xuân tới.

Hiện tại các nỗ lực của trung tâm sẽ được tập trung vào các cá thể mới, rất yếu và cần được chăm sóc và cứu chữa kịp thời để có thể tiếp tục sinh tồn.

Quá trình phục hồi của các cá thể này có thể kéo dài và rất tốn kém và sẽ cần thêm các nguồn lực để ổn định, điều trị và cứu hộ chúng. Nếu bạn mong muốn hỗ trợ cho hoạt động chăm sóc và phục hồi các cá thể này, hoặc hỗ trợ cho các kế hoạch thả rùa trở lại tự nhiên trong năm 2017, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi tại địa chỉ email: info@asianturtleprogram.org hoặc truy cập vào trang Hỗ trợ của ATP tại:  www.asianturtleprogram.org/pages/support_atp.html.

Một khoản tài trợ nhỏ $10-$50 có thể mang lại những tác động to lớn.

Chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn tới các cá nhân, tổ chức đã hỗ trợ cho công tác cứu hộ rùa của TCC và ATP trong những năm vừa qua, các tổ chức bao gồm World Land Trust, Vườn thú Bristol, Hội Động vật học Luân Đôn (ZSL), Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS), Vườn thú Cleveland Metroparks (CMZ), Liên minh vì sự sống của các loài rùa (TSA) và Hiệp hội nhân viên chăm sóc động vật quốc gia Hoa Kỳ (NCAAZK). Chúng tôi cũng xin cảm ơn đến các cơ quan chức năng đặc biệt là Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội cho các nỗ lực cứu hộ thành công các loài rùa cạn và rùa nước ngọt.

Thông cáo báo chí: Hoàng Văn Hà – ATP/IMC & Đỗ Thanh Hào – TCC
Ngày: 09/11/2016

Thư viện ảnh

Các cá thể bị nhốt trong các túi vải và nhét trong một thùng xốp đã được vận chuyển theo hướng đi Cửa khẩu Móng Cái, nằm trên biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ảnh: Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội.
Các cán bộ của ATP, TCC và Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội chuẩn bị sẵn sàng để chuyển giao các cá thể rùa về Vườn Quốc gia Cúc Phương. Ảnh: Phạm Văn Thông – ATP/IMC.
Loài rùa đầu to nằm trong danh mục các loài nguy cấp theo Sách đỏ IUCN 2015 và được bảo vệ theo luật pháp Việt Nam, căn cứ theo Nghị định 32/2006 NĐ-CP cũng như nằm trong Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp (Công ước CITES). Ảnh: Phạm Văn Thông – ATP/IMC.

No comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *