Cần hành động bảo vệ nơi sinh sống hoang dã của loài rùa nguy cấp nhất Thế giới


Hồ Đồng Mô nằm ở ngoại thành Hà Nội (phía Bắc Việt Nam), nhìn bề ngoài giống như bao hồ nước khác tại đồng bằng sông Hồng. Mật độ dân cư sinh sống quanh hồ tập trung cao với hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, sử dụng nguồn nước trong hồ phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp. Nhưng hồ Đồng Mô đặc biệt hơn các hồ khác ở chỗ, đây là nơi sinh sống hoang dã duy nhất của loài rùa quý hiếm nhất trên thế giới, rùa Hoàn Kiếm (Rafetus swinhoei). Được ghi nhận có phân bố tại hồ Đồng Mô khi Chương trình bảo tồn rùa châu Á (thuộc Vườn thú Cleveland Metroparks) chụp được hình ảnh của một cá thể trong hồ vào năm 2007. Phát hiện quan trọng này đã đưa số lượng còn lại của loài lên 04 cá thể. Cùng loài với cá thể rất nổi tiếng trong Hồ Gươm với tên gọi “rùa Hoàn Kiếm”, là loài có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với người dân Việt Nam, gắn với truyền thuyết vua Lê Lợi trả gươm cho rùa thần vào thế kỷ XV. Tuy nhiên, tình trạng đánh bắt và mất nơi sinh sống khiến loài rùa này biến mất trên hầu hết phạm vi phân bố lịch sử từ phía nam Trung Quốc xuống phía bắc Việt Nam.

Sau phát hiện trên, nhóm bảo tồn của Chương trình Bảo tồn rùa châu Á đã được thành lập tại khu vực Đồng Mô. Đây là một quyết định đúng đắn và sáng suốt, kịp thời. Tháng 11 năm 2008, mưa lũ làm vỡ con đập đang được xây dựng, rùa đã thoát ra khỏi khu vực hồ Đồng Mô. Một người dân đánh cá địa phương bắt được cá thể rùa nặng 69kg, được cho là cá thể được phát hiện qua ảnh nói trên. Thật may mắn, chính quyền địa phương, Chương trình bảo tồn rùa châu Á (ATP) và Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã nhanh chóng cùng phối hợp giải cứu thành công và đưa cá thể rùa này trở lại hồ. Sau sự cố nguy hiểm này, đập Đồng Mô được xây dựng lại với quy mô lớn hơn. Với 4 cửa xả nước lớn, đập hồ mới không còn ngăn được rùa như đập cũ, khiến rùa có thể theo dòng nước lớn qua cửa đập ra ngoài dễ dàng.

ATP đã đặt một hàng rào lưới tạm thời dài 60m, sâu 7m chăng ngang đập, tạo ra một rào chắn ngăn không cho rùa thoát ra nếu mở cửa đập. Mùa mưa năm 2011, mực nước hồ Đồng Mô tăng cao, tràn qua con đập. May mắn là cửa đập không được mở; tuy nhiên việc mở cửa tháo nước chỉ là vấn đề thời gian và sẽ thành mối đe dọa lớn đối với loài rùa này.

Từ năm 2010, ATP đã nỗ lực tìm kiếm giải pháp bảo vệ rùa lâu dài trên hồ. Lựa chọn khả thi nhất là ý tưởng xây dựng hàng rào lưới vững chắc chắn trước đập. Các cuộc họp được tổ chức có sự tham gia của Chi cục Thủy sản Hà Nội – cơ quan quản lý nguồn lợi thủy sản trong hồ và Công ty xây dựng Phù Sa – đơn vị thi công và quản lý đập hồ Đồng Mô. Thông qua đó, tình hình nguy cấp của quần thể rùa quý trên hồ Đồng Mô được trình bày rõ ràng đi kèm với đề xuất phương án bảo vệ. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng chưa đưa ra quyết định chính thức nào. GS.TS Mai Đình Yên, phó chủ tịch Hội sinh thái học Việt Nam là người rất quan tâm đến công tác bảo tồn loài rùa quý này và đang nỗ lực hết mình để bảo vệ chúng. Hồ Đồng Mô được đề xuất trở thành khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó việc đảm bảo an ninh tại hồ đập sẽ là yếu tố quan trọng được đề cập trong kế hoạch phát triển khu bảo tồn.

Khi đánh giá tầm quan trọng của rùa Hoàn Kiếm trên cả hai khía cạnh bảo tồn và giá trị văn hóa, điều đáng chú ý là dường như mối đe dọa nhìn thấy trước mắt này lại bị bỏ ngỏ. Việc xây dựng rào chắn tại hồ để bảo vệ những cá thể rùa Hoàn Kiếm thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và cần được xem trọng để giữ được huyền thoại sống của dân tộc. Hy vọng rằng các cơ quan chức năng sớm đưa ra quyết định và có những hành động cụ thể nhằm bảo vệ loài rùa quý hiếm và nơi sinh sống của chúng trước khi quá muộn.

Bài viết: Timothy McCormack – Chương trình Bảo tồn rùa châu Á (ATP)

19/01/2012

cepfbirdlife

tcfcolumbus zoo

Xin chân thành cảm ơn các tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ các hoạt động của ATP và dự án Bảo tồn rùa Hoàn Kiếm (Rafetus swinhoei): Quỹ đối tác về các hệ sinh thái trọng yếu (CEPF), Tổ chức bảo tồn chim quốc tế, Vườn thú Columbus và Quỹ bảo tồn rùa (TCF). Tại Việt Nam: Các cơ quan đối tác địa phương, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), Ủy ban Nhân dân và lực lượng Kiểm lâm các cấp.

Thư viện ảnh:

 

No comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *