Phần mềm quản lý và giám sát sinh cảnh (SMART) là ví dụ điển hình cho các công nghệ mới nhất được sử dụng trong công tác bảo tồn động vật hoang dã. Được phát triển bởi các nhà bảo tồn, phần mềm này có rất nhiều tính năng hỗ trợ giám sát sinh cảnh, quan sát các loài bị đe dọa (VD: ghi nhận số lần xuất hiện/ dính bẫy). Với một chiếc smartphone hỗ trợ GPS, phần mềm có thể lưu lại các hành trình di chuyển của đội ngũ bảo tồn, ví dụ như kiểm lâm, sau đó các dữ liệu này sẽ được tải lên cơ sở dữ liệu chung để phân tích nhằm hỗ trợ tối đa cho công tác bảo tồn loài. Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm công nghệ và Bảo tồn thiên nhiên (CNTC), tính đến cuối năm 2020, phần mềm SMART đã được đưa vào sử dụng tại hơn 1000 khu vực được bảo vệ với mức độ đa dạng sinh học cao tại hơn 65 quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, phần mềm đang dần trở nên phổ biển với nhóm người dùng là các tổ chức bảo tồn, ban quản lý các khu vực sinh cảnh được bảo vệ và đội ngũ kiểm lâm.
Từ ngày 30/10 đến 2/11/2021, Chương trình bảo tồn rùa châu Á (ATP) thuộc tổ chức Indo-Myanmar Conservation đã phối hợp cùng CNTC tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ tham gia vào Dự án Rafetus-dự án bảo tồn loài Giải Swinhoe (Rafetus swinhoei) với 3 cá thể được xác nhận còn tồn tại trên thế giới, trong số đó 2 cá thể thuộc dự án Rafetus tại Đồng Mô và Xuân Khanh đã và đang được theo dõi trong vòng 14 năm qua. Việc tập huấn sử dụng phần mềm SMART sẽ hỗ trợ đội ngũ cán bộ ATP thu thập được them nhiều dữ liệu có ích cho công tác bảo tồn loài trong tương lai.
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn anh Thành-phó giám đốc CNTC và chị Linh-chuyên viên truyền thông CNTC vì đã hướng dẫn các cán bộ dự án Rafetus sử dụng phần mềm. Chúng tôi cũng xin cảm ơn Vườn thú Cleveland, CEPF và IUCN vì đã hỗ trợ cho dự án này.
No comment