2019 – Một năm bận rộn cho các hoạt động bảo tồn rùa.

Đây chỉ một tóm tắt nhanh về một số thành tựu của Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP) thuộc tổ chức Indo-Myanmar Conservation (IMC) trong năm 2019. 2020 có lẽ là một năm đầy thách thức khi chúng ta phải thích nghi với dịch Covid-19.

Vào tháng một, với sự hợp tác chặt chẽ giữa ATP/IMC với các cơ quan chức năng của Việt Nam, Chính phủ đã thông qua luật mới (Nghị định 06/2019/ND-CP) nhằm bảo vệ tốt hơn cho các loài động vật hoang dã quý hiếm, liệt kê 23 loài trong tổng số 35 loài rùa cạn và rùa nước ngọt bản địa. 13 loài trong số này được đưa vào danh sách bảo vệ lần đầu tiên.

Một cá thể rùa hộp trán vàng miền Trung (Cuora bourreti) hạnh phúc trở lại môi trường tự nhiên trong một ngày mưa. Ảnh: Hoàng Văn Hà – ATP/IMC

Mặc dù cá thể cái của loài Giải Sin-hoe tại vườn thú Tô Châu chết sau khi thụ tinh nhân tạo là một tin sốc, chúng tôi vẫn tiếp tục mở rộng các phạm vi hoạt động với loài này bao gồm: các hoạt động bảo tồn và tuyên truyền tại hồ Đồng Mô và Xuân Khanh, Việt Nam; hợp tác với chính quyền Hà Nội và các đối tác để tiến hành kế hoạch bảo tồn loài; và khảo sát chuyên sâu khắp miền Bắc để tìm thêm các cá thể của loài này.

Đối tác của chúng tôi – Trung tâm Bảo tồn Rùa (TCC) thuộc Vườn Quốc gia Cúc Phương đã cứu hộ hơn 180 cá thể các loài rùa cạn và rùa nước ngọt, tái thả hơn 80 cá thể các loài nguy cấp như rùa hộp trán vàng miền Trung (Cuora bourreti) và rùa sa nhân (Cuora mouhotii) trở về tự nhiên, ấp nở thành công hơn 100 cá thể rùa non của 11 loài.

Chúng tôi cũng đã tiến hành nghiên cứu sinh cảnh, sinh thái và tập tính của loài rùa đầu to (Platysternon megacephalum), loài nguy cấp rất khó chăm sóc trong nuôi nhốt; với mục tiêu phát triển chiến lược tái thả khả thi cho loài ở Việt Nam.

Một trong những hoạt động trọng tâm của chúng tôi là tiến hành các khóa tập huấn tăng cường năng lực thực thi pháp luật cho các cán bộ thực thi pháp luật tại Việt Nam cũng như đào tạo các nhà bảo tồn và nghiên cứu trẻ trong tương lai. Đặc biệt chúng tôi đã tổ chức Khóa đào tạo các kỹ năng nghiên cứu thực địa về rùa cạn và rùa nước ngọt tại Lào, với sự hợp tác của tổ chức Lao Conservation Trust for Wildlife.

Cuối cùng, chúng tôi đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát để cập nhật tình trạng, phân bố và sinh thái của các loài rùa cạn và rùa nước ngọt, với mục tiêu là thiết lập được các khu bảo tồn sinh cảnh cho các loài bao gồm loài rùa Hoàn Kiếm (Rafetus swinhoei), rùa hộp trán vàng miền Nam (Cuora picturata) và rùa Trung bộ (Mauremys annamensis).

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn các đối tác, những người hỗ trợ và các nhà tài trợ đã luôn cùng chúng tôi tạo ra một tương lai tươi đẹp hơn cho các loài rùa cạn và rùa nước ngọt Việt Nam.

Hãy giữ an toàn và đồng hành cùng chúng tôi thực hiện sứ mệnh bảo tồn loài rùa trong năm 2020 mặc cho những khó khăn và thách thức chúng ta sẽ gặp phải!

Ngày 31/12/2019
Chương trình Bảo tồn rùa châu Á

Photo gallery

No comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *