Vào ngày 12 tháng 9 năm 2017, Uyên, một cô gái trẻ hiện đang sống tại Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng đã gửi tin nhắn qua Facebook cho ATP. Uyên chia sẻ mong muốn chuyển giao một cá thể rùa núi viền (Manouria impressa) trưởng thành nhắm phục vụ bảo tồn. Theo Uyên, cá thể rùa này có thể đã được thả tại một ngọn núi nhỏ nhưng nổi tiếng đằng sau nhà cô bởi người dân địa phương vì mục đích tâm linh. Tuy nhiên do khoảng cách lớn giữa Đà Nẵng và Trung tâm bảo tồn rùa (TCC) tại Vườn quốc gia Cúc Phương, việc vận chuyển cá thể để chuyển giao đến trung tâm là không khả thi. Do đó, trong khi tìm kiếm giải pháp giải pháp phù hợp nhất cho trường hợp này, ATP đã hướng dẫn Uyên chăm sóc loài rùa nhạy cảm này bao gồm thức ăn, chế độ ăn và các yêu cầu môi trường thiết yếu khác.
Ngày 21 tháng 9 năm 2017, cá thể rùa núi viền trên đã được chuyển cho bạn Lê Văn Mạnh, một học viên trong khóa đào tạo kỹ năng nghiên cứu thực địa về rùa cạn và rùa nước ngọt của chương trình năm 2017. Mạnh sẽ hỗ trợ thả rùa về sinh cảnh sống phù hợp tại Vườn quốc gia Bạch Mã, tỉnh Thừa Thiên – Huế do đây là khu vực phân bố tự nhiên của loài này.
Sáng ngày 22 tháng 9 năm 2017, cá thể rùa đã được vận chuyển đến vùng lõi Vườn quốc gia Bạch Mã tại độ cao xấp xỉ 1000 m so với mực nước biển để thả về tự nhiên.
Tuy cá thể rùa đã có một câu chuyện với kết thúc có hậu, ATP muốn nhấn mạnh rằng chúng tôi không khuyến khích người dân mua động vật hoang dã để phóng sinh vì mục đích tâm linh. Hoạt động này đã và đang gây ra các ảnh hưởng tiêu cực cho các loài động vật và hệ sinh thái tại Việt Nam.
Chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành tới những người tham giải cứu và thả cá thể rùa núi viền về tự nhiên: Uyên, Lê Văn Mạnh và các cán bộ kiểm lâm tại Vườn quốc gia Bạch Mã.
Thông cáo báo chí: Hoàng Văn Hà – ATP/IMC
Ngày 25 tháng 9 năm 2017
Thư viện ảnh
No comment