Dự án bảo tồn rùa Trung Bộ (Mauremys annamensis)
Tổng quát
Rùa Trung bộ (Mauremys annamensis) là loài rùa quan trọng cho công tác bảo tồn, là loài đặc hữu có phân bố hẹp, chỉ được ghi nhận ở những vùng đất trũng ven biển đông dân cư của một số tỉnh miền Trung Việt Nam, từ phía nam Đà Nẵng đến Phú Yên. Các đặc điểm sinh thái và phân bố của loài này lần đầu tiên được mô tả vào năm 1939, nhưng không có bất kỳ ghi nhận nào về loài trong tự nhiên cho đến năm 2007 khi ATP quan sát được một cá thể rùa Trung bộ tại tỉnh Quảng Nam trong quá trình đặt bẫy rùa nước. Những hiểu biết về loài này hiện vẫn còn nhiều hạn chế (Bourret, 1941).
Mặc dù được bảo vệ theo các quy định pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã của Việt Nam (Nghị định 06/2019/NĐ-CP và Nghị định 160/2013/NĐ-CP), nhưng rùa Trung bộ vẫn bị săn bắt, buôn bán trái phép. Hiện nay, chưa có khu bảo tồn nào ghi nhận có rùa Trung Bộ sinh sống, điều này càng làm tăng tính cấp thiết của công tác bảo tồn mà trước hết là xác định môi trường sống của loài.
Phân bố: Rùa Trung bộ được tin là có phân bố từ thành phố Đà Nẵng đến Phú Yên, có thể ở tỉnh Gia Lai và Kon Tum.
Môi trường sống: vùng đất ngập nước như ao, hồ, sông
Mối đe dọa: Các nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm số lượng rùa Trung Bộ là mất sinh cảnh, săn bắt và buôn bán trái phép.
Các hoạt động bảo tồn:
Từ 2001 đến 2004, những chuyến khảo sát ban đầu đã được ATP thực hiện. Trong năm 2006, một số khảo sát chuyên sâu được tiến hành trên toàn tỉnh Quảng Nam, nơi trước đây đã có những ghi nhận về sự tồn tại của loài này. Khảo sát tập trung vào việc quan sát và mô tả Mauremys annamensis trong buôn bán tại địa phương nhằm xác định vị trí chúng có thể đang sinh sống trong tự nhiên. Chín cá thể rùa Trung bộ (Mauremys annamensis) đã được ghi nhận tại Quảng Nam. Các thông tin thu thập được cho thấy rùa Trung Bộ vẫn đang bị săn bắt ở hai huyện Điện Bàn và Duy Xuyên. Tháng 11 năm 2006, một cá thể Mauremys annamensis đã bị bắt (bằng bẫy rùa nước) trong cuộc khảo sát tiếp theo tại hai huyện này. Đây là lần đầu tiên trong hơn 67 năm, các nhà bảo tồn có cơ hội xác nhận rằng loài rùa này vẫn còn tồn tại trong tự nhiên.
Nối tiếp thành công này, ATP đã khởi xướng dự án bảo tồn rùa Trung bộ (Mauremys annamensis) (MAP) trong năm 2007. Mục tiêu của MAP là tiếp tục khảo sát tại các tỉnh miền Trung khác để xác định thêm các sinh cảnh phù hợp và tiến hành các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và tập huấn nâng cao năng lực cho các cán bộ thực thi pháp luật tập trung vào loài rùa đặc hữu này.
Trong năm 2008, có thêm nhiều địa điểm thuộc tỉnh Quảng Ngãi nơi mà hai cá thể Mauremys annamensis đang được nuôi nhốt bởi người dân địa phương sinh sống quanh một khu vực đất ngập nước đã được xác nhận là có rùa Trung Bộ sinh sống. Một số cuộc họp đã được tổ chức tại các cộng đồng địa phương sinh sống quanh môi trường sống ưu tiên cho loài rùa Trung bộ. Các chương trình giáo dục môi trường cũng đã được tổ chức tại các trường học địa phương bởi Trung Tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam (ENV), đối tác của ATP tại Việt Nam.
Vào tháng 01 năm 2009, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi đã tịch thu được 19 cá thể rùa trong đó có 6 cá thể Mauremys annamensis. Số rùa kể trên đã được chuyển giao cho Trung tâm Bảo tồn Rùa (TCC) thuộc Vườn quốc gia Cúc Phương, nơi đã nhân nuôi sinh sản thành công rùa Trung Bộ từ 18 cá thể rùa giống ban đầu. Hiện nay, TCC có gần 600 cá thể rùa Trung Bộ đang chờ được thả trở lại môi trường tự nhiên nơi chúng từng sinh sống.