Vườn thú Cologne đã trao trả tám cá thể cá cóc Việt Nam (Tylototriton vietnamensis) – một loài sa giông đặc hữu của Việt Nam – được nhân giống thành công tại Vườn thú Cologne. Sau quãng đường bay dài, các cá thể cá cóc hạ cánh xuống sân bay Nội Bài ngày hôm nay và được chuyển giao thành công cho phía Việt Nam. Việc trao trả loài đã diễn ra với sự tham gia của GS. TS. Thomas Ziegler, Giám đốc khu thủy sinh và điều phối viên dự án nghiên cứu và bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam của Vườn thú Cologne, PGS. TS. Nguyễn Quảng Trường, đại diện Viện Sinh thái học và Tài nguyên sinh vật (IEBR) (một đối tác của Vườn thú Cologne). Các cá thể cá cóc Việt Nam được chuyển đến một trung tâm chăm sóc các loài lưỡng cư nguy cấp thuộc Trạm đa dạng sinh học Mê Linh, một cơ sở bảo tồn được phát triển thông qua sự hợp tác giữa IEBR và Vườn thú Cologne, ở miền Bắc Việt Nam. Với các điều kiện chăm sóc phù hợp tại trung tâm, các cá thể có thể phát triển và sinh sản tốt và cùng với hậu duệ của mình, chúng sẽ được thả lại môi trường hoang dã trong thời gian tới nhằm phục hồi và phát triển quần thể tự nhiên của loài.
Vào tháng 03 năm 2018, lần đầu tiên loài cá cóc Việt Nam đã được nhân giống thành công trên thế giới tại Khu thủy sinh của Vườn thú Cologne. Vào mùa xuân 2019, việc nhân giống lại được tiến hành tại Vườn thú Cologne và cho ra các kết quả khả quan. Theo đó, tổng số 69 cá thể cá cóc Việt Nam đã được nuôi dưỡng thành công bởi Anna Rauhaus, nhân viên chăm sóc khu thủy sinh và đội ngũ chuyên gia lưỡng cư làm việc tại Vườn thú. Để mở rộng chương trình nhân giống bảo tồn, một số cá thể khác của loài sẽ được chuyển giao đến các Vườn thú tại Đức và quốc tế. Ngoài ra, các cá thể cá cóc khác được nhân giống thành công sẽ được chuyển giao cho chương trình nhân giống bảo tồn của Cộng đồng bảo tồn ếch nhái và Những người bạn (Citizen Conservation of Frogs and Friends) gồm các nhà nuôi tư nhân quan tâm đến bảo tồn. Qua đó, Vườn thú Cologne mong muốn phát triển một quần thể bền vững của loài sa giông nguy cấp hiện chỉ còn một số quần thể nhỏ lẻ còn tồn tại ngoài tự nhiên. Vườn thú Cologne hy vọng sẽ có thêm nhiều cá thể được nhân giống cũng như có thêm các sự kiện trao trả khác diễn ra thành công trong tương lai.
Cá thể cá cóc Việt Nam được nhân giống tại Vườn thú Cologne. Ảnh: Thomas Ziegler
Loài cá cóc Việt Nam, một đại diện của họ cá cóc, được phát hiện lần đầu tiên 14 năm trước. Đây là một loài đặc hữu của Việt Nam do chỉ phân bố tại miền Bắc Việt Nam. Cá cóc Việt Nam được sếp vào nhóm động vật “Nguy cấp” theo Sách đỏ IUCN. Hiện chỉ có một vài quần thể nhỏ lẻ của loài được tìm thấy ngoài tự nhiên và chúng đều đang bị đe dọa bởi sự suy giảm của các sinh cảnh sống bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau như nạn phát rừng, khai thác than và ô nhiễm môi trường. Một mối đe dọa khác mà loài đang phải đối mặt là nạn săn bắt trái phép để làm thuốc đông y và làm thú cưng. Dựa trên các nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học bao gồm GS. TS. Ziegler và PGS. Trường và nhờ công văn hợp tác giữa Liên minh châu Âu, Việt Nam và Chung quốc để cập nhật mức độ bảo tồn loài dựa trên các dữ liệu nghiên cứu toàn diện, loài cá cóc Việt Nam và các loài cùng chi đã được thêm vào Phụ lục II của Công Ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) theo nghi quyết của Hội nghị các bên tham gia Công ước CITES được tổ chức tại Geneva, Thụy sỹ từ ngày 17 đến 28 tháng 08 năm 2019. Đây là văn bản pháp luật đầu tiên quy định mức độ bảo vệ đối với loài cá cóc Việt Nam trên phạm vi toàn cầu.
Tương tự như dự án bảo tồn loài các cóc Việt Nam tại Vườn thú Cologne thực hiện, nhiều chương trình nhân giống bảo tồn đang được các Vườn thú triển khai. Đây được coi là trọng tâm các nỗ lực bảo tồn quốc tế nhằm xây dựng quần thể bền vững cho các loài đạng bị đe dọa ngoài tự nhiên. Các chương trình nhân giống quốc tế là vô cùng quan trọng đối với việc bảo tồn các loài lưỡng cư vì chúng là đại diện cho nhóm động vật có xương sống bị đe dọa nhất trên trái đất. Đặc biệt, để nhân giống các loài lưỡng cư là vô cùng khó khăn do chúng ta vẫn còn chưa có đủ kiến thức, thậm chí là thiếu hụt dữ liệu đối với nhiều loài. Do đó, việc tổng hợp các kết quả nghiên cứu ngoài thực địa được thực hiện bởi Vườn thú Cologne và cùng với các sinh viên và tổ chức đối tác là cực kỳ quan trọng. GS. B. Pagel, Giám đốc Vườn thú Cologne và từ tuần này, ông sẽ trở thành Chủ tịch Hiệp hội World Association of Zoos and Aquaria (WAZA) cho hay: “Dự án bảo tồn cá cóc Việt Nam là một trong những dự án tiên phong thành công của cách tiếp cận mới ‘One Plan Approach’ được IUCN và các nhà khoa học khởi xướng và phát triển. Mục tiêu của phương pháp này là hạn chế và ngăn ngừa sự suy giảm đa dạng sinh học đang gia tăng hiện nay, đồng thời phát triển chiến lược gắn kết giữa các biện pháp bảo tồn nội vi và ngoại vi nhằm phục vụ cho mục đích bảo tồn loài.”
No comment