Công tác cứu hộ các loài rùa cạn và rùa nước ngọt nguy cấp tại Việt Nam

One of the Keeled Box Turtles being transferred, this species is native to Cuc Phuong Naitonal Park and there is the possibility of release of some of these animals in the future. Photo by: Pham Van Thong - ATP


Năm 2015 vừa qua là một năm cực kỳ quan trọng đối với công tác cứu hộ các loài rùa cạn và rùa nước ngọt ở Việt Nam và năm 2016 được dự báo sẽ tiếp tục là một năm bận rộn cho công tác cứu hộ và bảo tồn các loài rùa của Việt Nam. Ngay trước kỳ nghỉ lễ tết âm lịch vừa qua, vào ngày 3 tháng 2 năm 2016, một đợt chuyển giao với số lượng lớn các loài rùa cạn và rùa nước ngọt quý hiếm đã được tiến hành giữa Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD) Hà Nội và Trung tâm Bảo tồn rùa Vườn Quốc gia Cúc Phương (TCC). Trước đó, vào ngày 30 tháng 9 năm 2015, hai trung tâm cũng đã tiến hành chuyển giao 101 cá thể rùa bị tịch thu tại Hà Nội ngày 20 tháng 9 năm 2015.

Ngày 03/02/2016, TCC đã tiếp nhận tổng số 89 cá thể rùa cạn và rùa nước ngọt bao gồm 4 cá thể rùa hộp lưng đen (Cuora amboinensis), 18 cá thể rùa hộp trán vàng miền bắc (Cuora galbinifrons), 08 cá thể rùa hộp trán vàng miền trung (Cuora bourreti), 18 cá thể rùa sa nhân (Cuora mouhotii), 17 cá thể rùa đất sê-pôn (Cyclemys oldhamii), 1 cá thể rùa đất pul-kin (Cyclemys pulchristriata), 2 cá thể rùa đất lớn (Heosemys grandis), 13 cá thể rùa núi vàng (Indotestudo elongata) và 8 cá thể rùa cổ sọc (Mauremys sinensis). Ông Hoàng Văn Hà, cán bộ Chương trình bảo tồn rùa châu Á (ATP) cho biết: “Những cá thể thể rùa vừa được chuyển giao về TCC có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với công tác bảo tồn. Chương trình theo dõi các cá thể rùa sau khi thả chúng về tự nhiên sẽ cung cấp các thông tin hữu ích về tỉ lệ sống sót của các loài rùa sau khi bị buôn bán. Trong khi đó, một số cá thể rùa khác có thể được sử dụng cho mục đích nhân nuôi bảo tồn, được ghép đôi sinh sản cho ra đời thế hệ rùa con trong tương lai”. Các loài rùa hộp nói riêng và tất cả 25 loài rùa cạn và rùa nước ngọt bản địa của Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng do nạn săn bắt, buôn bán trái phép và mất môi trường sống. Hơn 50% số loài rùa của Việt Nam hiện nay đang trong tình trạng nguy cấp hoặc cực kỳ nguy cấp và có nguy cơ bị tuyệt chủng trong tương lai theo danh lục đỏ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).

Trong số các cá thể rùa được chuyển giao cho TCC bao gồm 3 cá thể rùa hộp trán vàng miền bắc (Cuora galbinifrons), 1 cá thể rùa sa nhân (Cuora mouhotii), 1 cá thể rùa núi vàng (Indotestudo elongata), 1 cá thể rùa đất lớn (Heosemys grandis), 1 cá thể rùa hộp lưng đen (Cuora amboinensis), và 1 cá thể rùa đất pul-kin (Cyclemys pulchristriata) đã được Trung tâm cứu hộ ĐVHD Hà Nội tiếp nhận trong thời gian gần đây. Các cá thể còn lại có nguồn gốc từ vụ tịch thu tại Hà Nội trong tháng 9 năm 2015, được Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội chăm sóc, cứu hộ với sự hỗ trợ từ Chương trình bảo tồn rùa châu Á (ATP) và tổ chức Four Paws Việt Nam. Do số lượng các vụ tịch thu gần đây gia tăng trên địa bàn Hà Nội, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội tại huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội đã xây dựng các khu chuồng nuôi mới để tiếp nhận và chăm sóc các cá thể rùa trong thời gian ngắn

Năm 2015, Trung tâm bảo tồn rùa Cúc Phương đã tiếp nhận 185 cá thể rùa từ 08 vụ tịch thu và những người nuôi rùa làm cảnh. Đây là một trong những năm bận rộn nhất đối với công tác cứu hộ tại trung tâm trong 10 năm qua. Những con số này không phản ánh sự gia tăng số lượng rùa cạn và rùa nước ngọt bị buôn bán ở Việt Nam, mà cho thấy sự chuyển biến tích cực trong công tác thực thi pháp luật và chuyển giao động vật nhằm đối phó với nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã.

Vai trò trọng tâm của Trung tâm bảo tồn rùa Cúc Phương là tiếp nhận động vật bị tịch thu để cứu hộ, chăm sóc và giúp chúng hòa nhập với quần thể rùa hiện có tại Trung tâm hoặc thả về tự nhiên. Với số lượng lớn các cá thể động vật được chuyển giao, hy vọng rằng trong năm 2016 các cá thể này có thể được thả về với môi trường sống tự nhiên của chúng.

Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới các tổ chức và cá nhân đã hỗ trợ Trung tâm bảo tồn rùa Cúc Phương và Chương trình bảo tồn rùa châu Á trong năm 2015. Chúng tôi cũng ghi nhận những nỗ lực của Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội và các cơ quan chức năng trong công tác tịch thu và chuyển giao các cá thể động vật hoang dã quý hiếm này.

Thông cáo báo chí: Đỗ Thanh Hào TCC & McCormack – ATP/IMC
Ngày 16 tháng 02 năm 2016

Một cá thể rùa Sa nhân (Cuora mouhotii, loài bản địa của Vườn Quốc gia Cúc Phương), sẽ được chuyển giao trong đợt này. Cá thể rùa này có thể sẽ được thả về Vườn Quốc gia Cúc Phương trong thời gian tới. Ảnh: Phạm Văn Thông – ATP
Các cá thể rùa Sa nhân đang được chăm sóc tại khu vực chuồng nuôi thuộc khu vực cách ly, Trung tâm bảo tồn rùa Cúc Phương. Ảnh: Nguyễn Thu Thủy – ATP

No comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *