Trong tháng 6 này, nhóm nghiên cứu rùa Hoàn Kiếm của Chương trình Bảo tồn Rùa Châu Á (ATP) đã tiến hành một đợt khảo sát quan sát kéo dài hai tuần tại một khu vực hồ rộng ở miền bắc Việt Nam nhằm tiếp tục tìm kiếm thêm các cá thể Rùa Hoàn Kiếm hoang dã sau khi phát hiện cá thể rùa Hoàn Kiếm hoang dã thứ hai tại hồ Xuân Khanh vào tháng 4/2018.
Thời tiết nóng bức khiến cho mực nước hồ sụt giảm nghiêm trọng và điều này đã vô tình giúp công việc tìm kiếm của chúng tôi trở nên dễ dàng hơn do không còn nhiều khu vực cần quan sát. Trong suốt đợt khảo sát, chúng tôi sử dụng máy tầm ngư để tìm hiểu thêm về cấu trúc và địa mạo dưới đáy hồ và tìm kiếm rùa trong hồ. Ngoài ra, chúng tôi cùng sử dụng bộ dụng cụ thu mẫu gen môi trường (ANDe) được phát triển bởi Tổ chức WCS trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa ATP với Tổ chức WCS, Viện Tài nguyên và Môi trường (CRES) và Liên minh vì sự sống còn của loài rùa và Trường Đại học Washington để đẩy nhanh quá trình lọc mẫu nước. Việc lọc mẫu được tiến hành ngay tại bờ hồ.
Chúng tôi hy vọng sẽ sớm xác nhận thành công cá thể rùa Hoàn Kiếm thứ ba tại Việt Nam trong năm nay!!!
Chúng tôi xin được gửi lời cảm ơn chân thành đến Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh và Ban quản lý hồ Yên Lập đã hỗ trợ thực hiện đợt khảo sát này. Ngoài ra, chúng tôi cũng rất biết ơn Quỹ Bảo tồn Rùa và Quỹ Bảo tồn loài Mohamed bin Zayed đã tài trợ cho hoạt động này.
Nguyễn Tài Thắng – ATP/IMC
20 tháng 6 năm 2018
No comment