Có nên nuôi rùa làm cảnh ở Việt Nam?
Với sự bùng phát và lây lan của những biến chủng mới, Việt Nam hiện đang phải đương đầu với những tác động xấu của làn sóng lây nhiễm thứ 4 của đại dịch COVID-19. Mặc dù, giả thiết cho rằng COVID-19 bắt nguồn từ động vật hoang dã (ĐVHD) vẫn chưa được khẳng định hoàn toàn, rất nhiều dịch bệnh đã được chứng minh lây nhiễm từ ĐVHD cho thấy rằng việc tiếp xúc với các loài này có thể là một nguy cơ lây nhiễm bệnh hiện hữu.
ĐVHD được nuôi như thú cưng hoặc vật làm cảnh ở Việt Nam không phải là hiếm gặp. Một trong những loài được nuôi phổ biến hiện nay là các loài rùa cạn và rùa nước ngọt. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đề cập đến những rủi ro tiềm ẩn khi nuôi rùa cạn và rùa nước ngọt làm cảnh và trả lời câu hỏi: “Liệu có nên nuôi rùa làm cảnh ở Việt Nam?”
Dưới đây chúng tôi sẽ giải thích kỹ hơn những vấn đề liên quan đến việc nuôi rùa, bao gồm: (1) rùa có thể truyền bệnh cho con người; (2) nhiều loài rùa không dễ nuôi trong điều kiện nuôi nhốt; (3) nuôi rùa có thể vi phạm pháp luật và bị truy tố trách nhiệm hình sự và (4) nuôi rùa cảnh thúc đẩy nhu cầu săn bắt, buôn bán rùa hoang dã.
Đầu tiên, rùa là vật trung gian truyền bệnh cho con người. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cảnh báo rằng “Rùa thường mang vi khuẩn Salmonella trên bề mặt da và mai của chúng và có thể lây truyền vi khuẩn Salmonella, gây ra tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng cho người.”(i) Salmonella là một nhóm vi khuẩn, khi xâm nhập vào cơ thể người thường gây tiêu chảy, sốt, và co thắt dạ dày. Tuy phần lớn các trường hợp thường không nghiêm trong, vi khuẩn này có thể gây ra triệu chứng nặng ở một số người, thậm chí dẫn tới tử vong. Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ uớc tính vi khuẩn Salmonella gây bệnh cho khoảng 1,35 triệu người, với 26.500 người nhập viện, và 420 người tử vong hàng năm ở Mỹ (ii). Theo một nghiên cứu về sự bùng phát bênh do vi khuẩn Salmonella gây ra liên quan đến rùa tại Mỹ trong giai đoạn 2006-2014 (Turtle-associated Salmonellosis, United States, 2006–2014 during 2006–2014) (iii), có 15 đợt bùng phát đã diễn ra trong giai đoạn này. Các đợt bùng phát này đã gây bệnh cho 921 người với 156 trường hợp nặng phải nhập viện và một trẻ sơ sinh 3,5 tuần tuổi tử vong. Đáng tiếc là mối tương quan giữa rùa và vi khuẩn Salmonella ở Việt Nam vẫn chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng. Ngoài ra, nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm ở rùa vẫn còn rất hạn chế, các nhà khoa học có thể vẫn chưa phát hiện hết các mầm bệnh tiềm ẩn khác có thể lây sang người.
Thứ hai, mặc dù được coi là loài “không tốn nhiều công chăm sóc”, việc nuôi rùa không hề đơn giản trong nhiều trường hợp. Ở Việt Nam, sự thiếu hiểu biết về rùa và sinh thái của chúng dẫn tới rùa thường bị nuôi trong môi trường không phù hợp. Hậu quả là rùa nuôi thường dễ bị căng thẳng, mắc bệnh và có tuổi thọ ngắn hơn rùa hoang dã. Các yếu tố như khẩu phần ăn, nhiệt độ, tia UV, mật độ quần thể, v.v. là những yếu tố quan trọng cần được xem xét và duy trì để tạo một môi trường sống phù hợp và an toàn cho rùa. Đơn cử, do tập tính hung dữ và bản năng bảo vệ lãnh địa, rất khó để nuôi và sinh sản thành công rùa đầu to (Platysternon megacephalum) trong điều kiện nuôi nhốt. Trong khi cứu hộ các cá thể được tịch thu từ nạn buôn bán động vật hoang dã, Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP) đã ghi nhận nhiều trường hợp rùa đầu to bị thương nặng có thể do chúng được giữ cùng nhau trong quá trình nuôi nhốt hoặc vận chuyển. Gần đây vào tháng 5/2021, Chi cục Kiểm lâm Thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra và tịch thu 52 cá thể rùa thuộc nhiều chủng loại và kích thước khác nhau tại một ngôi chùa trên địa bàn thành phố (iv); các cá thể này đã bị hạn chế trong một khu chuồng chật hẹp với ao nhỏ tù đọng trong một thời gian dài. Rùa thường phải chịu những tổn thương lớn khi thiếu vắng môi trường sống phù hợp. Trong khi nhiều loài động vật khác, chẳng hạn như linh trưởng và thú lớn, có biểu hiện cảm xúc rõ ràng hơn, rùa phản ứng chậm [với điều kiện sống] và thường chỉ biểu hiện khi chúng đã ốm nặng.
Thứ ba, cá nhân hoặc tổ chức nuôi rùa trái phép có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự. Do hầu hết các loài rùa cạn và rùa nước ngọt bản địa được pháp luật Việt Nam bảo vệ, theo Bộ Luật Hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017, các hành vi vi phạm liên quan đến các loài này có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự với mức phạt lên tới 15 năm tù giam cho cá nhân và 15 tỷ đồng đối với pháp nhân. Gần đây nhất, tháng 3/2021, tòa tuyên án bị cáo H.M.T. 10 năm tù giam vì tội nuôi, nhốt trái phép 127 cá thể rùa nguy cấp, quý, hiếm (v); cơ quan chức năng đã phát hiện và thu giữ số động vật này tại nhà đối tượng T. vào tháng 05/2020. Rất tiếc, hiện nhiều người Việt Nam vẫn thiếu hiểu biết về các loài rùa và luật pháp liên quan. Đó là lý do ATP đã và đang nỗ lực để tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về các loài rùa và các quy định pháp luật về bảo vệ rùa nói riêng và các loài động vật hoang dã nói chung.
Một số người có thể tranh luận rằng rằng nếu nuôi các loài rùa bản địa là vi phạm pháp luật; việc mua và nuôi các loài ngoại lai là hợp pháp. Tuy nhiên, nuôi, nhân giống hay buôn bán nhiều loại ngoại lai ở Việt Nam, đặc biệt là loài ngoại lai gây hại như rùa tai đỏ (Trachemys scripta elegans) là vi phạm pháp luật (căn cứ Nghị định 155/2016/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 55/2021/NĐ-CP của chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường). Rùa tai đỏ nằm trong danh sách 100 loài ngoại lai xâm hại nguy hiểm nhất thế giới (vi).
Cuối cùng, lợi nhuận khổng lồ từ buôn bán thú cảnh, đặc biệt tại thị trường châu Á đã tiếp tục thúc đẩy nhu cầu săn bắt và buôn bán rùa. Trong quá khứ, rùa chủ yếu bị săn bắt để làm thực phẩm hoặc thuốc; ngày nay càng có nhiều cá thể rùa bị săn bắt và buôn bán để làm vật cảnh. Trong khi nhu cầu về các loài bản địa không hề có dấu hiệu suy giảm; nhu cầu về các loài ngoại lai, “độc, lạ” lại đẩy mạnh nạn buôn lậu rùa xuyên quốc gia. Khi buôn bán động vật hoang dã vẫn là một thị trường có lợi nhuận hàng trăm tỉ đô (vii), việc kiểm soát hoạt động buôn bán động vật hoang dã vẫn còn khó khăn, dù có những chế tài xử phạt nặng. Tóm lại, việc mua rùa làm cảnh đóng một vai trò quan trọng, thúc đẩy việc buôn bán rùa bất hợp pháp, suy giảm và tuyệt diệt các quần thể rùa hoang dã.
Khi xem xét các khía cạnh về sức khỏe con người, phúc lợi động vật và pháp luật, có thể thấy rằng việc nuôi rùa làm cảnh gây ra những tác hại to lớn. Chính vì vậy, mua và nuôi rùa làm cảnh là hành vi đáng bị lên án và nên chấm dứt ngay lập tức.
Ngày: 08/07/2021
Thông cáo báo chí: Bích Kiều – ATP/IMC
Tài liệu tham khảo:
(i) https://www.fda.gov/consumers/consumer-updates/pet-turtles-cute-commonly-contaminated-salmonella
(ii) https://www.cdc.gov/salmonella/index.html
(iii) https://wwwnc.cdc.gov/eid/article/22/7/15-0685_article
(iv) https://www.facebook.com/trungtamgiaoducthiennhien/posts/2940916329459966
(v) https://dantri.com.vn/phap-luat/con-trai-rao-ban-rua-cha-nhan-10-nam-tu-20210319162936191.htm
(vi) http://www.iucngisd.org/gisd/100_worst.php
(vii) https://fcpablog.com/2020/04/27/the-illegal-wildlife-trade-is-still-one-of-the-most-profitable-criminal-enterprises/
No comment