"Có thể quá lạnh đối với bạn, nhưng tôi thích nơi đây" chia sẻ của một loài lưỡng cư mới được mô tả tại đỉnh Kỳ Quan San, thuộc Tây Bắc Việt Nam
Được tìm thấy trên một đỉnh núi lạnh giá ở miền Bắc Việt Nam, một loài ếch nhỏ bé mới được ghi nhận và mô tả nhờ công sức của các nhà bảo tồn động vật lưỡng cư. Trong khi tìm kiếm các quần thể mới của một loài lưỡng cư nguy cấp, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra một loài khác.
Loài mới có tên cóc sừng Kỳ Quan San (Megophrys frigida), được đặt theo tên của ngọn núi nơi loài được tìm thấy – đỉnh Kỳ Quan San. Loài này có ngoại hình trông gần giống loài cóc Fansipan (M. fansipanensis). Sau khi phân tích kỹ, chúng tôi có đủ cơ sở để khẳng định đó là một loài riêng biệt. Phát hiện này là mở rộng danh sách các loài lưỡng cư đã được tìm thấy ở dãy Hoàng Liên.
Dãy Hoàng Liên là một điểm nóng về đa dạng sinh học quan trọng ở Việt Nam và Đông Dương nói chung, có sự đặc hữu và phong phú của các loài, đặc biệt là các loài lưỡng cư. Có 86 trong số gần 270 loài lưỡng cư ghi nhận tại Việt Nam phân bố tại khu vực này. Đáng chú ý, đây là nơi phân bố được biết đến duy nhất của hai loài lưỡng cư cực kỳ nguy cấp ở Việt Nam: cóc mày Botsford (Leptobrachella botsfordi) và cóc răng Sterling (Oreolalax sterlingae).
Những nỗ lực gần đây đã góp phần rất lớn nghiên cứu và phân loại mức độ đa dạng của động vật lưỡng cư, cũng như tăng cường công tác bảo tồn loài tại khu vực. Nhiều loài mới được ghi nhận gần đây có thể được liệt kê như cóc sừng Hoàng Liên (Megophrys hoanglienensis) và cóc sừng Fansipan.
Phát hiện mới là thành quả của nghiên cứu được thực hiện từ năm 2017 với cuộc thám hiểm được thực hiện bởi một nhóm các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế trên đỉnh Kỳ Quan San, ngọn núi cao thứ tư ở Việt Nam, nhằm tìm kiếm và mở rộng phạm vi phân bố của loài cóc mày Botsford cực kỳ nguy cấp. Mặc dù nhóm nghiên cứu không phát hiện các cá thể của loài mục tiêu, chúng tôi đã tìm thấy một quần thể của loài cóc sừng (Megophrys sp.) ở gần đỉnh núi, ở độ cao 2800m.
Quần thể được tìm thấy có đặc điểm khá giống loài cóc sừng Fansipan. Tuy nhiên sau vài tháng phân tích phân tử, nhóm nghiên cứu tại Bảo tàng Úc đã có thể xác nhận rằng đây là một loài chưa được mô tả. Tổng hợp và phân tích các dữ liệu hình thái học, âm học và phân tử đã giúp so sánh và phân biệt quần thể này với 110 loài cóc sừng khác thuộc chi Megophrys. Tên loài “frigida” theo tiếng latin có nghĩa là “lạnh” để gợi nhớ đến thời tiết cực kỳ lạnh giá tại địa điểm nơi loài được tìm thấy. Ngọn núi này thỉnh thoảng có tuyết bao phủ vào mùa đông.
Loài mới này sinh sống ở khu vực gần đỉnh núi Kỳ Quan San, nơi sinh cảnh rừng gần như biến mất và được thay thế bằng cây bụi. Có một trang trại/cơ sở nuôi dê và bò bên cạnh khu vực này; đây được coi là mối đe dọa lớn đối với sinh cảnh sống của loài cóc mày.
Nghiên cứu này là thành quả hợp tác quốc tế giữa Bảo tàng Úc, Hội Động vật học London, Vườn Quốc gia Hoàng Liên và Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP) thuộc Tổ chức Indo-Myanmar Conservation (IMC).
Lời cảm ơn:
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn các cán bộ tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Bát Xát đã hỗ trợ và hợp tác trong nghiên cứu này. Chúng tôi cũng cảm ơn ông Stephen Mahony đã hỗ trợ mô tả loài này. Công trình này được tài trợ bởi Vườn thú Cleveland Metroparks, Tổ chức Ocean Park Conservation Foundation, Học bổng nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Bảo tàng Úc và Chương trình EDGE of Existence.
Tham khảo nghiên cứu:
Tapley, B., Cutajar, T., Nguyen. L.T., Portway, C., Mahony, S., Nguyen, C.T., Harding, L., Luong, H.V., Rowley, J.J.L. In Press. A new potentially Endangered species of Megophrys from Mount Ky Quan San, northwest Vietnam. Journal of Natural History. In Press.
Ngày: 16/12/2020
Thông cáo báo chí: Nguyễn Thành Luân & Kiều Bích – ATP/IMC
Thư viện ảnh
No comment