Từ ngày 25 đến ngày 27 tháng 5 năm 2020, nhóm cứu hộ của Trung tâm Bảo tồn Rùa thuộc Vườn Quốc gia Cúc Phương (TCC) và Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP) thuộc tổ chức Indo-Myanmar Conservation (IMC) đã tiến hành tái thả 28 cá thể rùa đầu to (Platysternon megacephalum) về tự nhiên ở một khu bảo tồn thuộc miền Bắc Việt Nam.
Rùa đầu to nằm trong nhóm các loài tiến hóa riêng biệt và có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới (EDGE) và đợt tái thả rùa đầu to này năm trong khuôn khổ chương trình EDGE of Existence của Hội động vật học Luân Đôn (ZSL) mà ATP/IMC hiện đang hợp tác cùng.
28 cá thể này đã được cứu hộ từ nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, đã được chăm sóc, phục hồi tại TCC trong một thời gian trước khi chúng đủ điều kiện để được tái thả về tự nhiên. Một lần nữa, chúng tôi cố gắng tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn của Liên Minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) về việc tái thả động vật hoang dã. Chúng tôi đã lấy mẫu máu, phân và nước bọt để kiểm tra mầm bệnh và ký sinh trùng gây hại ở rùa cũng như sàng lọc di truyền đối với từng cá thể.
Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến tất cả các cán bộ ở TCC đã dành thời gian và công sức chăm sóc phục hồi cho các cá thể trên cũng như các cán bộ đã trực tiếp tham gia đợt tái thả đầy thách thức về thể lực này. Chúng tôi cũng chân thành cảm ơn Quỹ bảo tồn Fondation Segré và Chương trình EDGE of Existence đã tài trợ cho dự án này, cùng các đối tác khác của dự án bao gồm Hội động vật học Luân Đôn (ZSL), vườn thú Paignton, Tổ chức Nordens Ark, Viện Tài nguyên và Môi trường (CRES) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và tất cả các đối tác đã và đang đồng hành cùng chúng tôi trong công tác bảo tồn rùa.
Ngày 29 tháng 5 năm 2020
Thông cáo báo chí: Hoàng Văn Hà – ATP/IMC
No comment