Hồ Đồng Mô nằm cách trung tâm Hà Nội 40km, được hình thành vào năm 1971 sau quá trình xây dựng của con đê dài 1200 m và một con đập nhỏ. Hồ được cấp nước từ nguồn nước của hai con suối Muỗi và Cầu Dầm bắt nguồn dãy núi Ba Vì. Không chỉ là một hồ chứa nước lớn với diện tích lên tới 1,400 ha trong mùa mưa, hồ Đồng Mô cũng được biết đến là môi trường sinh sống của cá thể rùa Hoàn Kiếm (Rafetus swinhoei) loài rùa quý, hiếm nhất thế giới. Loài rùa này đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng với 3 cá thể được biết đến còn tồn tại trong đó 2 cá thể hiện ở Vườn thú Tô Châu, Trung Quốc và một cá thể rùa được tìm thấy tại hồ Đồng Mô bởi các nhà khoa học vào năm 2007.
Vào ngày 10 tháng 07 năm 2017, Chương trình Bảo tồn rùa châu Á thuộc Tổ chức Indo-Myanmar Conservation đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm thị xã Sơn Tây, Công an xã Kim Sơn và Yên Bài tổ chức buổi lễ ký cam kết không đánh, bắt cá thể rùa trên hồ với sự tham gia của 45 ngư dân và 2 chủ thầu hồ. Tất cả các đại biểu tham gia đều nhận rõ tầm quan trọng của cá thể và đồng ý không bắt hay gây hại cho cá thể rùa.
Trong buổi lễ, bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, cán bộ Hạt Kiểm lâm Sơn Tây đã có một bài phát biểu ngắn về tầm quan trọng của cá thể rùa Hoàn Kiếm và các văn bản pháp luật có liên quan về bảo tồn rùa. Bà cũng yêu cầu các ngư dân không đánh bắt rùa bằng bất cứ phương pháp nào, không sử dụng kích điện và câu giăng và không tiến hành đánh cá tại khu vực Không-đánh-cá tại hồ Đồng Mô. Ông Đỗ Trọng A, Trưởng Công an xã Kim Sơn cũng đồng ý với quan điểm của bà Yến. Ông cũng đề cập đến trường hợp cá thể rùa suýt bị bắt trộm bởi một số người dân tại thôn Phúc Yên vào tháng 3 năm 2015. Ông khẳng định đây là một hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam về bảo tồn động vật hoang dã.
Thông qua các hoạt động cộng đồng được tổ chức hàng năm tại hồ Đồng Mô, người dân địa phương đặc biệt các ngư dân đã nhận thức rõ tầm quan trọng của cá thể rùa Hoàn Kiếm cũng như đóng vai trò tích cực hơn trong việc bảo tồn cá thể rùa này. Trước khi buổi lễ ký cam kết diễn ra, ông Nguyễn Văn Hải, một ngư dân địa phương, đã quan sát và chụp được ảnh rùa và ngay lập tức ông thông báo và gửi ảnh cho cán bộ IMC.
Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn đến Công an xã Yên Bài và Kim Sơn cũng như Hạt Kiểm lâm Sơn đã phối hợp tổ chức hoạt động này. Chúng tôi xin cảm ơn Quỹ đối tác về các hệ sinh thái trọng yếu (CEPF) và Tổ chức IUCN đã tài trợ cho công tác bảo tồn loài rùa Hoàn Kiếm.
Thông cáo báo chí: Nguyễn Tài Thắng – ATP/IMC
Ngày 20 tháng 10 năm 2017
Thư viện ảnh
No comment