Vào ngày 20/10/2016, Công an huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, phía Nam Hà Nội, đã tiến hành tịch thu 4 cá thể loài rùa hộp trán vàng miền Bắc (Cuora galbinifrons) cực kỳ nguy cấp, hai cá thể loài loài rùa cổ sọc (Mauremys sinensis) nguy cấp, một cá thể rùa sa nhân (Cuora mouhotii) nguy cấp, và 7 cá thể loài rùa đất Sê-pôn (Cyclemys oldhamii) đang bị vận chuyển trái phép bởi một người phụ nữ trên xe khách tuyến Hà Tĩnh – Hà Nội. Ngoài ra, lô hàng này cũng bao gồm ba cá thể tắc kè (Gekko gecko), một cá thể tê tê Java (Manis javanica) và một cá thể rắn hổ mang chúa (Ophiophagus hannah).
Các cán bộ của Chương trình bảo tồn rùa châu Á (ATP) thuộc tổ chức Indo-Myanmar Conservation (IMC) và Trung tâm bảo tồn rùa (TCC) thuộc Vườn Quốc gia Cúc Phương đã tiếp nhận và chuyển số động vật trên tới Trung tâm bảo tồn rùa và Trung tâm cứu hộ Tê tê thuộc Vườn Quốc gia Cúc Phương trong cùng ngày. Trong khi các cá thể rùa và tê tê sẽ được cứu hộ tại Cúc Phương, các cá thể tắc kè và rắn hổ mang chúa sẽ được chuyển giao cho Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội, nơi có điều kiện cơ sở vật chất phù hợp và đội ngũ nhân viên được đào tạo để chăm sóc những loài vật này.
Vào đầu năm nay, chúng tôi đã dự đoán rằng năm 2016 sẽ là một năm bận rộn đối với công tác cứu hộ các loài rùa cạn và rùa nước ngọt ở Việt Nam. Quả thực, cho tới thời điểm hiện tại, dự đoán này đã đúng, tính đến ngày 22/10/2016, với tổng số 306 cá thể rùa thuộc 16 loài (trong đó có 3 loài ngoại lai) được cứu hộ tại Trung tâm, tăng 65% so với số lượng rùa được cứu hộ tại Trung tâm vào năm 2015 là 185 cá thể từ 8 vụ tịch thu. Đáng chú ý, các loài rùa cực kỳ nguy cấp và nguy cấp có tên trong Danh lục Đỏ của IUCN năm 2015 chiếm 51,9% tổng số rùa chuyển giao cho TCC trong năm 2016. Trong đó, bao gồm 46 cá thể rùa hộp trán vàng miền Bắc (Cuora galbinifrons), 9 cá thể rùa hộp trán vàng miền Trung (Cuora bourreti), 36 cá thể rùa sa nhân (Cuora mouhotii) và 49 cá thể rùa cổ sọc (Mauremys sinensis).
Mục tiêu trọng tâm của Trung tâm Bảo tồn Rùa là tiếp nhận động vật bị tịch thu từ các vụ buôn bán trái phép, tiến hành chăm sóc, phục hồi sức khỏe, sau đó gây nuôi sinh sản phục vụ mục đích bảo tồn hoặc thả về tự nhiên đối với các loài rùa của Việt Nam. Với số lượng lớn cá thể rùa được chuyển về Trung tâm trong năm nay, hy vọng rằng, sang năm 2017, Trung tâm có thể tiến hành thả một số cá thể về tự nhiên nơi các cá thể này thuộc về. Nhưng để làm được điều này, chúng tôi cần thêm sự hỗ trợ từ quý vị. ATP và TCC hy vọng sẽ có đủ nguồn tài trợ để tiến hành các hoạt động thả về tự nhiên, giám sát quần thể sau khi thả để đánh giá tỉ lệ sống sót và mức độ thành công của công tác cứu hộ.
Nếu bạn muốn hỗ trợ các hoạt động cứu hộ và thả rùa trong tương lai của TCC và ATP, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi tại địa chỉ email: Support@asianturtleprogram.org hoặc thực hiện chuyển khoản thông qua cổng thanh toán PayPal sử dụng địa chỉ email trên. Hoặc truy cập vào trang Hỗ trợ của ATP tại: http://www.asianturtleprogram.org/pages/support_atp.html
Chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn tới các cá nhân, tổ chức đã hỗ trợ cho công tác cứu hộ rùa của TCC và ATP trong những năm vừa qua, các tổ chức bao gồm World Land Trust, Vườn thú Bristol, Hội Động vật học Luân Đôn (ZSL), Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS), Vườn thú Cleveland Metroparks (CMZ), Liên minh vì sự sống của các loài rùa (TSA) và Hiệp hội nhân viên chăm sóc động vật quốc gia Hoa Kỳ (NCAAZK). Chúng tôi cũng xin cảm ơn tất cả các cơ quan chức năng đã tiến hành thành công các vụ tịch thu các loài rùa cạn và rùa nước ngọt.
Thông cáo báo chí: Hoàng Văn Hà – ATP / IMC & Đỗ Thanh Hào – TCC, Vườn Quốc gia Cúc Phương
Ngày: 22 tháng 10 năm 2016
Thư viện ảnh
No comment