Buổi chiều ngày 19/01/2016, người Hà Nội bàng hoàng vĩnh biệt một huyền thoại được tôn kính gọi bằng tên trìu mến “Cụ Rùa”. Đây là nỗi buồn lớn không chỉ với người Hà Nội mà với người dân cả nước nói chung. “Cụ Rùa” là cá thể lớn tuổi thuộc loài giải Sin-hoe (tên khoa học Rafetus swinhoei), có kích thước mai dài khoảng 130cm, nặng gần 170kg và là cá thể đực.
Sự kiện rùa Hoàn Kiếm qua đời đã đặt ra nhiều vấn đề và công việc phải làm cho tương lai. Trên quan điểm khoa học và bảo tồn, trình độ khoa học và công nghệ hiện tại có thể giúp khôi phục rùa Hoàn Kiếm và đưa loài rùa mai mềm cỡ lớn này trở lại Hồ Gươm trong tương lai.
Lưu trữ và bảo quản mô cho công tác nhân bản rùa Hoàn Kiếm trong tương lai
Công nghệ nhân bản đã và đang phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, và quả thực đã trở thành một ngành công nghiệp cung cấp dịch vụ nhân bản các chú chó và các loài động vật khác cho những người nuôi thú cưng. Theo đó, ngay sau khi con vật qua đời, việc thu thập và bảo quản mẫu mô sống của con vật phải được tiến hành càng sớm càng tốt bởi những mẫu mô này sẽ quyết định sự thành công của quá trình nhân bản sau này. Trong trường hợp “Cụ Rùa”, việc cấp thiết trước mắt là nhanh chóng thu thập các mẫu mô của rùa Hoàn Kiếm trước khi các mô và tế bào sống bị phá hủy, không còn hữu dụng. Mẫu mô có thể thu thập từ các cơ quan như khí quản, tim, mô liên kết dưới xương mai hoặc cơ quan sinh sản. Mỗi mẫu có kích thước rất nhỏ là 1cm3. Một số Viện, Cơ sở nghiên cứu và các nhà khoa học tại Hà Nội có đủ kỹ thuật và trang thiết bị để thực hiện việc lưu trữ và bảo quản mô sống. Điều này sẽ mang lại cơ hội nhân bản rùa Hoàn Kiếm và góp phần khôi phục loài rùa vô cùng quý hiếm này. Chúng tôi đã gửi đề xuất lên UBND Thành phố Hà Nội với hy vọng sẽ sớm có ý kiến chỉ đạo kịp thời để thực hiện việc bảo quản các mô sống.
Công nghệ thu thập và bảo quản mô vẫn còn khá mới ở Việt Nam, ngay cả quá trình thu thập và bảo quản mẫu cũng không đơn giản. Tuy nhiên, lưu trữ và bảo quản mô cho công tác nhân bản rùa Hoàn Kiếm trong tương lai nên được xem xét bởi không có nhiều lựa chọn cho công tác bảo tồn loài rùa quý, hiếm này. Trong những năm tới, chúng tôi hy vọng kỹ thuật nhân bản sẽ có nhiều cải tiến có thể áp dụng vào lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học. Rùa Hoàn Kiếm huyền thoại liệu có thể sống mãi? Câu trả lời là, với sự giúp đỡ của khoa học, là có thể.
Tim McCormack – Chương trình Bảo tồn rùa châu Á – Tổ chức Indo-Myanmar Conservation
Ngày: 22/01/2016
No comment