Một trong số những vụ bắt giữ các loài rùa hộp cực kỳ nguy cấp lớn nhất ở Việt Nam
Một vụ tịch thu số lượng lớn các loài rùa cạn và rùa nước ngọt đã diễn ra vào ngày 21 tháng 09 năm 2015 tại thủ đô Hà Nội với 237 cá thể rùa bị bắt giữ. Trong số rùa kể trên, có khoảng 100 cá thể của hai loài rùa hộp (rùa hộp trán vàng miền bắc (Cuora galbinifrons), rùa hộp trán vàng miền trung (Cuora bourreti)), hơn 50 cá thể rùa sa nhân (Cuora mouhotii) và hơn 30 cá thể rùa đầu to (Platysternon megacephalum) và một vài cá thể rùa đất (Cyclemys sp.). Vào ngày 25 tháng 09 năm 2015, sau khi nhận được tin báo về vụ việc, Chương trình bảo tồn rùa châu Á (ATP) thuộc Tổ chức bảo tồn Indo-Myanmar (IMC) đã ngay lập tức liên hệ và tới thăm Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD) Sóc Sơn, Hà Nội nơi các cá thể rùa được chuyển về sau vụ tịch thu. Tại đây, trong khi các cá thể rùa hộp được nuôi trong một gian chuồng chim, các cá thể khác được nuôi trong một chuồng đa năng với không gian hạn chế.
Ngay sau đó, Chương trình bảo tồn rùa Châu Á, Trung tâm bảo tồn rùa Cúc Phương đã phối hợp với các nhân viên Trung tâm cứu hộ ĐVHD Sóc Sơn, cán bộ thuộc tổ chức Four Paws Việt Nam tiến hành làm giàu môi trường chuồng nuôi và cải thiện chế độ dinh dưỡng nhằm giảm thiểu các biến chứng do mất nước và sốc nhiệt gây ra cho các cá thể rùa này. Sau một vài ngày được cứu hộ, chăm sóc tại Sóc Sơn, Trung tâm cứu hộ ĐVHD Sóc Sơn đã đồng ý chuyển giao một số cá thể rùa về Trung tâm bảo tồn rùa (TCC) tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, nơi có đầy đủ cơ sở vật chất và đội ngũ nhân viên được đào tạo phục vụ cho công tác chăm sóc cứu hộ lâu dài số lượng lớn các cá thể rùa. Theo đó, vào ngày 30 tháng 9 năm 2015, 20 cá thể rùa hộp trán vàng miền bắc, 10 cá thể rùa hộp trán vàng miền trung, 30 cá thể rùa sa nhân, 23 cá thể rùa đầu to, 4 cá thể rùa hộp lưng đen (Cuora amboinensis), 10 cá thể rùa đất sê-pôn (Cyclemys oldhamii), 2 cá thể rùa nước Trung Quốc (Mauremys reevsesii), 1 cá thể rùa tai đỏ (Trachemys scripta elegans) và 1 cá thể rùa cá sấu (Chelydra serpentine) đã được chuyển giao cho TCC.
Theo đánh giá của các chuyên gia thuộc Chương trình bảo tồn rùa Châu Á, đây là một trong những vụ buôn bán trái phép các loài rùa nguy cấp, quý hiếm với số lượng lớn nhất bị bắt giữ trong vòng 10 năm trở lại đây. Hầu hết các cá thể rùa trong vụ tịch thu đều ở độ tuổi trưởng thành, giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng của các quần thể rùa hoang dã. Các cá thể rùa được chuyển về TCC cũng sẽ giữ vai trò quan trọng trong công tác duy trì đa dạng nguồn gen trong nuôi nhốt cũng như kích thước quần thể hữu hiệu cho các loài rùa cực kỳ nguy cấp, quý hiếm của Việt Nam trong tương lai.
Nếu bạn muốn hỗ trợ chúng tôi, xin vui lòng liên hệ theo địa chỉ email dưới đây: Support@asianturtleprogram.org hoặc ủng hộ qua PayPal với cùng địa chỉ.
Ghé thăm linh sau để ủng hộ chúng tôi: http://www.asianturtleprogram.org/pages/support_atp.html
Chúng tôi muốn cảm ơn chân thành tới các cá nhân đã đóng góp tài chính, trang thiết bị, và tham gia hỗ trợ công tác chăm sóc rùa trong thời gian qua: tổ chức World Land Trust, Vườn thú Bristol, Hiệp hội động vật học London (ZSL), Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS), Vườn thú Cleveland Metroparks (CMZ) và Liên minh bảo tồn rùa (TSA).
Chúng tôi cũng xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Sóc Sơn, Hà Nội đã tạo điều kiện giúp đỡ và phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Rùa Cúc Phương (TCC) để tiến hành chuyển giao các cá thể rùa. Đặc biệt, xin cảm ơn tổ chức Four Paws Việt Nam và các cán bộ, nhân viên Trung tâm cứu hộ ĐVHD Sóc Sơn đã làm việc không biết mệt mỏi để chăm sóc các cá thể rùa.
Kêu gọi hỗ trợ – ATP
Ngày: 04/10/2015
Thông cáo báo chí: Timothy McCormack – ATP, Đỗ Thanh Hào – TCC & Nguyễn Thu Thủy – ATP
No comment