Trung tâm Bảo tồn Rùa (TCC) thuộc Vườn quốc gia Cúc Phương hôm nay đã đón nhận 71 cá thể rùa Trung Bộ – loài rùa đặc hữu của Việt Nam trở về quê hương sau một chuyến đi dài từ châu Âu, nơi hai vườn thú đã thành công trong việc nhân nuôi loài động vật hoang dã quý hiếm này.
Vườn thú Rotterdam (Hà Lan) và Vườn thú Münster (Đức) đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Rùa để đưa những cá thể rùa này trở về Việt Nam. Đây là lần đầu tiên một số lượng lớn rùa được gây nuôi thành công ở nước ngoài được đưa về Việt Nam.
Ông Bùi Đăng Phong – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Rùa cho biết: “ Ngày hôm nay đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác bảo tồn loài rùa Trung Bộ ở Việt Nam. Hiện nay, số lượng của loài này trong tự nhiên đang bị suy giảm nhanh chóng do tình trạng săn bắt, buôn bán trái phép và mất môi trường sống. Trách nhiệm của Việt Nam là phải tích cực bảo vệ loài rùa đặc hữu này khỏi nạn săn bắt, buôn bán trái phép và đảm bảo rằng chúng ta sẽ không mất thêm một loài động vật đặc hữu quý hiếm nào nữa ”.
Rùa Trung Bộ (Mauremys annamensis) là loài rùa quý hiếm, chỉ được tìm thấy ở những vùng đất trũng, trong ao hồ và các dòng sông tại một vài tỉnh ở Miền Trung Việt Nam. Kể từ cuối những năm 1980, quần thể loài rùa Trung Bộ trong tự nhiên đã gần như biến mất bởi nạn săn bắt, buôn bán bất hợp pháp để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại hai thị trường Việt Nam và Trung Quốc. Gần đây, việc gây nuôi thương mại loài này cũng đang ngày một tăng bất chấp chúng được pháp luật bảo vệ.
Ông Henk Zwartepoorte – Phụ trách Quản lý các loài Bò sát của Vườn thú Rotterdam cho biết: “ Chúng tôi rất tự hào đã đóng góp vào công tác bảo tồn loài rùa quý hiếm của Việt Nam, đồng thời giúp các cá thể rùa Trung bộ được trở về quê nhà. Chúng tôi rất tin tưởng vào những sáng kiến của Việt Nam và những nỗ lực mang tính toàn cầu nhằm giúp loài rùa đặc hữu của Việt Nam có thể tồn tại và phát triển trong tự nhiên. ”
71 cá thể rùa trở về từ Châu Âu lần này sẽ được đoàn tụ với hơn 200 cá thể rùa khác đang được cứu hộ tại Trung tâm Bảo tồn Rùa Cúc Phương. Tất cả các cá thể này đều tịch thu được từ những vụ buôn bán trái phép, do người dân tự nguyện chuyển giao hoặc được gây nuôi tại chính Trung tâm Bảo tồn Rùa. Mục tiêucuối cùng là tất cả các cá thể rùa này sẽ được thả về môi trường sống tự nhiên phù hợp nhất tại tỉnh Quảng Ngãi, đây cũng là một phần trong dự án Bảo tồn rùa Trung bộ (MAP) thuộc Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP).
“Rùa Trung bộ của Việt Nam được thế giới công nhận là loài cần được ưu tiên hàng đầu trong công tác bảo tồn. Mặc dù, rùa Trung bộ có thể sống trong môi trường nuôi nhốt, tuy nhiên, chúng ta cần thiết phải bảo vệ loài này để chúng có thể tiếp tục được tồn tại trong tự nhiên” ”, ông Timothy Mc Cormack – Điều phối Chương trình ATP và MAP khẳng định.
Trung tâm Bảo tồn Rùa xin chân thành cám ơn Vườn thú Rotterdam, Vườn thú Münster và ông Herbert Becker đã hỗ trợ trong việc nhân nuôi thành công và đưa các cá thể rùa Trung Bộ về Việt Nam. Chúng tôi cũng mong muốn gửi lời cám ơn tới Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP) và Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi vì những tâm huyết dành trong công tác bảo tồn loài rùa đặc hữu này của Việt Nam. Cuối cùng, Trung tâm Bảo tồn Rùa xin chân thành cám ơn Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã hợp tác, giúp đỡ tổ chức sự kiện chuyển giao đầy ý nghĩa này.
Ngày: 19/08/2013
Thông cáo báo chí: Trung tâm giáo dục thien nhiên (ENV)
___________________________________________
Giới thiệu về loài rùa Trung bộ
- Rùa Trung bộ (Mauremys annamensis) là loài đang cần được ưu tiên hàng đầu trong công tác bảo tồn. Loài rùa này có kích thước khá nhỏ, chỉ dài 29 cm. Hiện nay, thông tin về rùa Trung bộ cũng chưa được phổ biến rộng rãi. Trước đây, rùa Trung Bộ thường được tìm thấy ở những vùng đất trũng ở miền Trung Việt Nam, chúng thường sống ở những vùng đầm lầy, ao hồ thông với những dòng sông lớn. Trong những năm 1980, loài này còn được tìm thấy ở những vùng gần khu đô thị. Tuy nhiên, số lượng rùa Trung bộ được ghi nhận trong các vụ buôn bán trái phép trong vài thập kỉ qua đang ngày càng giảm, và vào thời điểm hiện tại thì rất ít thấy; điều này cho thấy số lượng rùa Trung bộ tồn tại trong tự nhiên còn rất ít. Loài rùa Trung bộ đang đứng trên bờ vực của sự tuyệt chủng, và được xác định là loài cực kì nguy cấp trong danh mục các loài nguy cấp của IUCN và sách đỏ Việt Nam. Mặc dù rùa Trung bộ được bảo vệ theo Nghị định 32/2006/ND-CP, tuy nhiên, chúng vẫn bị săn bắt và buôn bán trái phép. Nhu cầu tiêu thụ và niềm tin sai lầm của người dân Việt Nam vào công dụng chữa bệnh thần kì của các loại thuốc đông y được bào chế từ mai rùa đã làm tăng giá trị của rùa Trung bộ trong các vụ buôn bán trái phép. Việc khai thác quá mức loài rùa Trung bộ cũng chính là nguyên của sự suy giảm về số lượng các vụ buôn bán loài rùa này.
Giới thiệu về Trung tâm Bảo tồn Rùa, Vườn quốc gia Cúc Phương
- Trung tâm Bảo tồn Rùa thuộc Vườn quốc gia Cúc Phương. Được thành lập bởi Tổ chức Bảo tồn động thực vật quốc tế (FFI) vào năm 1998, Trung tâm Bảo tồn Rùa nhằm cứu hộ các loài rùa cạn và rùa nước ngọt thường bị buôn bán trái phép trong những năm 1980-1990. Sau đó, Trung tâm được phát triển theo hướng dự án bảo tồn và được chuyển giao cho Vườn quốc gia Cúc Phương quản lý vào cuối năm 2001. Hiện nay, Trung tâm đóng vai trò là đầu tàu trong công tác bảo tồn các loài rùa cạn và rùa nước ngọt, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về các mối nguy hại đối với sự tồn vong của các loài rùa của Việt Nam.
Giới thiệu về Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV)
- Được thành lập năm 2000, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) là một trong những tổ chức xã hội đầu tiên tại Việt Nam chuyên sâu về lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và giáo dục môi trường. Sứ mệnh của chúng tôi là nâng cao nhận thức cho người dân Việt Nam về sự cần thiết của việc bảo vệ thiên nhiên và các loài động thực vật hoang dã. Bằng các chiến lược mang tính sáng tạo và đổi mới, chúng tôi mong muốn từng bước thay đổi thái độ và hành vi của công chúng, khuyến khích người dân Việt Nam sống thân thiện với môi trường tự nhiên. Bên cạnh đó, ENV cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ nhằm tăng cường thể chế, chính sách và trực tiếp hỗ trợ các nỗ lực thực thi pháp luật trong công cuộc bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã đang bị đe dọa tại Việt Nam, trong khu vực và trên toàn thế giới.
ÔThư viện ảnh
No comment