Từ ngày 21 đến ngày 27 tháng 01 năm 2013, các cán bộ dự án bảo tồn rùa Trung bộ thuộc Chương trình bảo tồn rùa châu Á, đã tiến hành đặt bẫy rùa nước tại địa bàn huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, miền Trung Việt Nam – khu vực dự kiến xây dựng Khu bảo vệ sinh cảnh loài (SHCA) cho loài rùa Trung bộ (Mauremys annamensis) cực kỳ nguy cấp và quý hiếm. Đây cũng chính là khu vực mà Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi quy hoạch cho công tác xây dựng khu bảo tồn cho loài rùa Trung bộ trên địa bàn tỉnh. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có báo cáo nào ghi nhận sự xuất hiện của rùa Trung bộ trong bất kỳ khu bảo tồn nào của Việt Nam. Do có phân bố tại những khu vực ngập nước thuộc đồng bằng duyên hải miền Trung, loài hiện đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng lớn khi sinh cảnh tự nhiên của chúng bị chuyển đổi thành đất trồng lúa. Bên cạnh đó, rùa Trung bộ cũng đang bị săn bắt ráo riết ngoài tự nhiên do có giá trị cao trong các vụ buôn bán trái phép.
Mặc dù trong thời gian đặt bẫy đoàn khảo sát không ghi nhận được bất kỳ cá thể rùa Trung bộ nào, tuy nhiên, một tuần trước đó, một người dân địa phương đã bắt được một cá thể rùa Trung bộ cái ở độ tuổi trưởng thành. Đối với nhóm nghiên cứu, sự xuất hiện của cá thể rùa Trung bộ tại nhà người dân địa phương mang đến những cảm xúc trái ngược. Vui vì sự xuất hiện của cá thể rùa này cho thấy sự tồn tại của một quần thể nhỏ rùa Trung bộ tại khu vực này. Tuy nhiên thông tin này cũng minh chứng cho một thực tế đáng buồn là rùa Trung bộ, tuy được pháp luật bảo vệ, vẫn bị săn bắt trái phép.
Đoàn khảo sát trong tháng 1/2013 có sự tham gia của Nguyễn Thành Luân và Võ Sĩ Lam, hai cựu học viên của khóa đào tạo kỹ năng nghiên cứu thực địa về các loài rùa cạn và nước ngọt được ATP tổ chức vào tháng 3 năm 2012, và một tình nguyện viên người Mỹ, Grover Brown III, đã thu được những kết quả khả quan. Chỉ trong khoảng thời gian 3 ngày, 3 cá thể rùa cổ sọc nguy cấp (Mauremys sinensis) đã bị dính bẫy. Rùa cổ sọc là loài có quan hệ họ hàng với rùa Trung bộ, có chung khu vực phân bố là các khu vực ngập nước và con lai giữa chúng cũng đã được ghi nhận tại cộng đồng địa phương. Nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu gen của các cá thể để phân tích. Đồng thời, các cá thể rùa được đánh dấu tại phần rìa trước của mai để có thể dễ dàng phân biệt trong trường hợp chúng bị bắt lại. Hai trong số ba cá thể bị bắt đạt kích thước đủ lớn để gắn thiết bị phát sóng vô tuyến lên mai (trọng lượng của thiết bị là 35g, nhỏ hơn 10% khối lượng cá thể rùa) phục vụ mục đích theo dõi vị trí và nghiên cứu về đặc điểm sinh thái và tập tính di chuyển của các cá thể này trong 12 tháng tiếp theo.
Một thông tin lý thú về về lịch sử tự nhiên được rút ra từ hoạt động đặt bẫy là, tại khu vực này, cả hai loài rùa, Trung bộ và cổ sọc, cùng song song tồn tại. Điều này có nghĩa là cá thể con lai Mauremys bị bắt bởi người dân khi hút cạn nước ở một ao nhỏ vào tháng 5 năm 2012 là bằng chứng tự nhiên cho sự nhân giống giữa hai loài. Điều này dẫn tới một số câu hỏi thú vị về tiến hóa và sự phát sinh loài của các loài tương đồng, có cùng khu vực phân bố.
ATP mong muốn tiếp tục sử dụng phương pháp radio-tracking không chỉ để xác định diện tích sinh cảnh sống, tập tính di chuyển của các cá thể rùa mà còn là một cơ hội cho giáo dục nâng cao nhận thức về bảo tồn rùa tại các trường học, cán bộ Chi cục Kiểm lâm và cộng đồng địa phương về sinh thái các loài rùa.
Bạn có thể hỗ trợ bằng cách:
Do các thể rùa bị bẫy cần phải đủ lớn để gắn thiết bị phát sóng vô tuyến, ATP rất cảm kích nếu bạn có thể tài trợ các thiết bị phát tín hiệu cũ (có trọng lượng 10 g hoặc nhỏ hơn) cho nghiên cứu. Vui lòng xem thông tin liên hệ bên dưới.
Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi vì những đóng góp cho công cuộc bảo tồn tại địa bàn tỉnh. Chúng tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến Quỹ Bảo tồn toàn cầu Disney, Quỹ đối tác các hệ sinh thái trọng yếu (CEPF), tổ chức Birdlife International đã tài trợ cho hoạt động đào tạo, tập huấn.
Thông cáo báo chí: Grover Brown – ATP
Ngày: 05/03/2013
Thư viện ảnh
No comment