Bắt được ba ba lớn ở sông Hồng, Hà Nội khiến dư luận xôn xao


Đầu năm 2011, việc chữa trị thành công những vết thương cho “cụ” rùa Hoàn Kiếm (Rafetus swinhoei) ở Hà Nội đã thu hút sự chú ý và quan tâm của thế giới. Cá thể rùa mai mềm khổng lồ này được cho là hàng trăm tuổi, gắn với truyền thuyết lịch sử và biểu tượng tâm linh của người Việt. Chính vì vậy, nhiều người cho rằng việc rùa nổi lên sẽ mang may mắn đến cho những ai được nhìn thấy.

Nhưng, “cụ” rùa cũng là biểu tượng cho cảnh ngộ đáng buồn của các loài hoang dã ở Việt Nam, vì là một trong bốn cá thể còn lại được ghi nhận. Rùa Hoàn Kiếm đã từng phân bố rộng rãi ở đồng bằng sông Hồng và phía Nam Trung Quốc. Do bị săn bắt ráo riết trong những năm 1980 – 1990, cộng với sự chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp tại những vùng đất ngập nước và hoạt động đánh bắt cá quá mức trong vùng phân bố của rùa đã đẩy loài vật to lớn này tới cận kề tuyệt chủng.

Mối đe doạ cho rùa Hoàn Kiếm lại gia tăng khi ông ngư dân Nguyễn Bá Toàn bắt một cá thể rùa mai mềm nặng 22kg vào ngày 12/10/2011 ở sông Hồng, gần cầu Chương Dương. Sự việc này gây nhiều chú ý cho dư luận, nhiều người còn cho rằng ông Toàn đã bắt được một “cụ” rùa Hồ Gươm khác (Rafetus swinhoei). Nhưng qua đánh giá định loại thì loài này là ba ba Nam Bộ (Amyda cartilaginea), phân bố ở miền Nam Việt Nam và một số nơi khác ở Đông Nam Á, không phải là loài bản địa ở miền Bắc hay đồng bằng sông Hồng – nơi cá thể này bị bắt. Ba ba Nam Bộ này có thể đã thoát ra từ một trại nuôi hoặc được ai đó phóng sinh.

Thật đáng buồn khi một loài động vật đang bị đe dọa tuyệt chủng có tên trong sách đỏ của Liên minh bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và bị cấm buôn bán trái phép theo Công ước về buôn bán Quốc tế các loài trong tình trạng nguy cấp (CITES) lại không nhận được bất cứ sự quan tâm nào từ các cơ quan chức năng. Hai ngày sau, ba ba Nam bộ được bán cho một thương nhân Trung Quốc chuyên buôn bán động vật hoang dã với giá 180 triệu đồng (khoảng 8000 đô la Mỹ). Theo điều 3, mục 9, Nghị định 99/2009/NĐ-CP, hành động này là phạm pháp và có thể bị phạt từ 200 đến 300 triệu đồng (10,000 – 15,000 đô la Mỹ) (Nghị định 99/2009/NĐ-CP điều 19 mục 7a).

Sự thờ ơ với các loài động vật hoang dã và pháp luật bảo vệ chúng là việc gần như xảy ra hàng ngày như một thực tế được thừa nhận rộng rãi rằng các loài hoang dã đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tuyệt chủng ở Việt Nam và Đông Nam Á nói chung. Năm 2010, cá thể tê giác một sừng (Rhinoceros sondaicus annamiticus) cuối cùng của Việt Nam đã bị bắn hạ ở Vườn Quốc gia Cát Tiên, đồng nghĩa với cả một phân loài đã biến mất. Nguyên nhân là pháp luật không được thực thi hiệu quả và các khu bảo tồn không được bảo vệ chặt chẽ, không chỉ tê giác một sừng mà các loài quý hiếm khác cũng sẽ tuyệt chủng trong một vài thập kỷ thập kỷ tới.

Số lượng cá thể rùa Hoàn Kiếm (Rafetus swinhoei) tồn tại trong tự nhiên hiện nay được cho rằng còn ít hơn cả các loài động vật hoang dã nổi tiếng khác như hổ Hoa Nam (Panthera tigris amoyensis) – với 59 cá thể còn lại trong nuôi nhốt, hay khỉ đột núi (Gorilla beringei beringei) ước tính có khoảng 600 cá thể còn sống. Thêm vào đó, rất hiếm cá thể rùa khổng lồ đạt tới hơn 150kg được ghi nhận trên thế giới. Trong năm 2011, hoạt động vây bắt và cứu chữa cá thể rùa Hoàn Kiếm được đầu tư chi phí trên 400,000USD chỉ thu hút được một vài sự chú ý cho loài trong khi cá thể thì nhận được sự quan tâm chưa từng có của giới truyền thông.

Quả là một bi kịch khi có rất nhiều sự quan tâm dành cho một cá thể rùa ở Hà Nội trong khi các cơ quan chức năng thờ ơ với các cá thể cùng loài ở nơi khác. Tiêu biểu là một quần thể tự nhiên của loài được phát hiện từ năm 2007 ở hồ Đồng Mô, ngay gần trung tâm Hà Nội, vẫn chưa được bảo vệ và chưa hề có ngân sách cho Cơ quan Kiểm lâm hay Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản để đảm bảo an ninh cho khu vực này. Mọi hoạt động đều chỉ dựa vào các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng địa phương quan tâm đến công tác bảo tồn. Con đập mới xây ở hồ Đồng Mô không đủ an toàn cho rùa mà chủ yếu phụ thuộc vào lưới chắn của người dân để ngăn rùa không thoát khỏi hồ trong hồ khi mở cửa đập xả nước.

Theo dòng thông tin về loài thì cặp rùa Hoàn Kiếm duy nhất trên thế giới đang được nhân giống ở Trung Quốc trong bốn năm liền chỉ cho trứng không được thụ tinh đầy đủ. Sự sống còn của loài rùa quý hiếm này càng trở nên nguy kịch. Chúng ta còn phải đợi bao lâu nữa cho những hành động bảo vệ tích cực và đúng đắn? Thời gian đang trôi đi, và với tốc độ tàn phá môi trường sống của các loài hiện nay thì thậm chí chúng ta còn ít thời gian hơn nữa.

Tim McCormack – Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP)

19/10/2011

Thư viện ảnh

Ảnh trên: Chỉ sau thời gian bắt được ngắn ngủi, cá thể ba ba Nam bộ này đã bị bán cho lái buôn động vật hoang dã. Ảnh: Báo Dân trí
Ảnh trên: Ông Nguyễn Bá Toàn với cá thể ba ba vừa bắt được
Ảnh trên: Kích thước cá thể rùa này có thể thấy rõ khi ông ngư dân nhấc lên. Ảnh: Vietnamnet
Ảnh trên: Đám đông vây quanh xem con vật to lạ thường. Ảnh: báo Dân trí online

No comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *