Dự án rùa Hoàn Kiếm (Rafetus swinhoei)
Tổng quan
Loài rùa Hoàn Kiếm (còn có tên là giải Swinhoe, Rafetus swinhoei), là loài rùa mai mềm khổng lồ được miêu tả lần đầu tiên vào năm 1873, nhưng hiện có rất ít nghiên cứu về loài. Loài rùa nước ngọt lớn nhất này cũng được coi là loài rùa nguy cấp nhất thế giới. Do đó, loài rùa này được đánh giá là Cực kỳ nguy cấp (CR) trong Sách đỏ IUCN (2019), và nằm trong số 25 loài rùa cạn và rùa nước ngọt nguy cấp nhất thế giới theo nghiên cứu của Liên minh bảo tồn rùa (2018). Sau khi cá thể rùa ở hồ Hoàn Kiếm chết vào năm 2016 và cá thể ở vườn thú Tô Châu, Trung Quốc chết vào tháng 4 năm 2019, chỉ có 3 cá thể của loài được biết đến còn tồn tại. Một cá thể đực tại Vườn thú Tô Châu, trong khi Việt Nam có 2 cá thể – một ở hồ Đồng Mô được tìm thấy vào năm 2007 và một cá thể ở hồ Xuân Khanh, Hà Nội, Việt Nam được xác nhận vào tháng 4 năm 2018 bằng kỹ thuật gen môi trường (eDNA) hiện đại. Nhóm nghiên cứu của ATP/IMC đã làm việc không ngừng nghỉ và có đóng góp đáng kế để tìm ra hai cá thể rùa này.
Loài rùa hiện đang trên bờ vực tuyệt chủng này có ý nghĩa tâm linh quan trọng trong văn hóa người Việt. Do nhiều cá thể loài này trước đây sinh sống ở hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội và gắn liền với truyền thuyết Vua Lê Lợi trả gươm báu cho thần Kim Quy từ thế kỷ 15, loài rùa thường được gọi là rùa Hoàn Kiếm. Đáng tiếc, vào tháng 1 năm 2016, cá thể cuối cùng còn lại ở hồ Hoàn Kiếm đã chết.
Phân bố: từng sinh sống trong các hệ thống sông lớn ở miền bắc Việt Nam và khu vực phía nam Trung Quốc.
Môi trường sống: sông, hồ lớn và vùng đất ngập nước lân cận, trong đó có hồ Đồng Mô
Các mối đe dọa: Nguyên nhân chính gây suy giảm số lượng là mất môi trường sống, bị săn bắt và buôn bán, chủ yếu để tiêu thụ tại các địa phương.
Các hoạt động nghiên cứu và bảo tồn
Từ năm 2003, Chương trình bảo tồn rùa châu Á (ATP) thuộc Tổ chức Indo-Myanmar Conservation (IMC) đã tiến hành nhiều đợt khảo sát, phỏng vấn loài rùa Hoàn Kiếm trên phạm vi 20 tỉnh miền Bắc Việt Nam. Trong quá trình khảo sát, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy mai và hộp sọ của 7 các thể rùa Hoàn Kiếm (Rafetus swinhoei) và một bức ảnh của một cá thể khác được người dân bắt được và chụp lại cùng nhiều khu vực trước đây rùa đã từng xuất hiện, có thể còn sót lại quần thể tự nhiên hoang dã. Tại một số khu vực trọng điểm, việc quan sát đươc thực hiện trong rất nhiều tháng. Năm 2007, tại hồ Đồng Mô ngoại thành Hà Nội, hình ảnh cá thể rùa Hoàn Kiếm hoang dã đầu tiên đã được ghi nhận, cũng là cá thể thứ 4 được phát hiện trên thế giới (tại thời điểm đó).
Sau phát hiện này, dự án bảo tồn rùa Hoàn Kiếm (Rafetus swinhoei) được duy trì xuyêt suốt từ tháng 01/2007 đến nay trên khu vực hồ Đồng Mô. Một cán bộ của chương trình chính là người địa phương, từng làm nghề đánh cá trên hồ và hiểu rõ khu vực nơi anh sinh sống. Nhờ sự tham gia công tác bảo tồn của anh, dự án đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ người dân nơi đây.
Ngay sau đó, hoạt động giáo dục bảo tồn trong các nhà trường được ATP phối hợp với Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) tiếp tục triển khai tại khu vực dự án. Đồng thời các cán bộ của ATP bắt đầu việc tuần tra, theo dõi thường trực quanh khu vực và tổ chức các buổi truyền thông tới những ngư dân trên hồ. Vào tháng 11/2008, các cơ quan chức năng và tổ chức bảo tồn đã giải cứu một cá thể rùa nặng 69 kg, dài khoảng 90 cm. Cá thể này bị săn bắt và buôn bán trong một địa bàn gần hồ Đồng Mô, được cho chính là rùa Hoàn Kiếm phát hiện trên hồ năm trước, vừa trôi ra khỏi hồ do vỡ đập Đồng Mô trong mùa lũ. Chính quyền và cộng đồng địa phương, Hạt Kiểm lâm thị xã Sơn Tây và Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam (ENV) đã cùng ATP vận động, đem thả rùa trở về hồ trong cùng ngày. Kết quả giải cứu diễn ra thành công là nhờ một phần không nhỏ của công tác nâng cao nhận thức và sự tuần tra, cập nhật thường xuyên của cán bộ bảo tồn tại khu vực.
Vào tháng 04/2009, ATP tổ chức hội thảo về bảo tồn loài rùa Hoàn Kiếm tại thị xã Sơn Tây với sự tham gia của đại diện Ủy ban nhân dân các cấp địa phương, Chi cục Kiểm lâm, Ủy ban nhân dân các cấp địa phương, các hộ gia đình nuôi và đánh cá, Ban quản lý sân golf Đồng Mô (nằm trên một bán đảo trong hồ) và các trường học quanh khu vực hồ. Sự phối hợp tạo môi trường tốt nhất cho loài này.
ATP/IMC từ năm 2016 đã bắt đầu chú ý đến hồ Xuân Khanh – chỉ cách hồ Đồng Mô vài km sau khi được một người đánh cá thông báo có một cá thể rùa mai mềm lớn ở hồ. ATP đã bắt đầu tiến hành quan sát và mở rộng phỏng vấn tuy nhiên vẫn không có ảnh chụp hoặc bằng chứng rõ ràng để xác nhận sự tồn tại của cá thể rùa Hoàn Kiếm ở đây. Vào tháng 12/2017, ATP/IMC đã hợp tác với Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam (WCS Vietnam) và phòng thí nghiệm thuộc Đại học bang Washington (Mỹ) thu mẫu gen môi trường (eDNA) và phân tích nhằm xác nhận cá thể ở hồ Xuân Khanh. Những nỗ lực đã được đến đáp khi đến tháng 4/2018, ATP đã có thể xác nhận một cá thể rùa Hoàn Kiếm (Rafetus swinhoei) hoang dã thứ hai tồn tại ở hồ Xuân Khanh. ATP/IMC đã tuyển một cán bộ địa phương ở đây liên tục quan sát và tìm hiểu thêm về cá thể rùa hoang dã và khó quan sát này.
ATP/IMC tiếp tục khảo sát, theo dõi và tuyển các cán bộ địa phương tại các địa điểm tiềm năng khác để tìm kiếm các cá thể có thể còn tồn tại khác và hy vọng việc sử dụng công nghệ phân tích gen môi trường (eDNA) hiện đại sẽ giúp ích trong việc tìm kiếm và xác nhận nhiều cá thể khác.
ATP/IMC, Tổ chức Turtle Survival Alliance, Hiệp đội bảo tồn động vật hoang dã, Đại học bang Washington, Tổ chức Global Wildlife và Viện Tài nguyên và Môi trường (CRES) – Hà Nội đã hợp tác chặt chẽ và phát triển Liên minh rùa Hoàn Kiếm (Rafetus Alliance) nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn rùa Hoàn Kiếm tại Việt Nam. Chúng tôi hy vọng với sự hợp tác này loài sẽ được bảo vệ tốt hơn.
Tiếp tục chương trình nghiên cứu và nâng cao nhận thức
Tương lai cho loài rùa Hoàn Kiếm vẫn chưa được đảm bảo. Với hy vọng tìm ra những các thể khác còn sống sót trong tự nhiên, các nhà bảo tồn tiếp tục tiến hành khảo sát dọc các con sông lớn ở miền bắc Việt Nam nhằm nghiên cứu thêm về loài này. Nhóm nghiên cứu phối hợp với các ngư dân Đồng Mô duy trì tìm kiếm trên hồ, đồng thời nghiên cứu và bảo vệ cá thể đã được ghi nhận.
Thêm vào đó, chương trình giáo dục trong trường học và truyền thông cộng đồng được thiết kế và tiến hành định kỳ tại các trường THCS và cộng đồng địa phương gần hồ Đồng Mô nhằm khuyến khích cộng đồng bảo vệ niềm tự hào của quê hương mình. ATP tổ chức và hỗ trợ phát triển hoạt động thể thao như giải đá bóng và đua thuyền, được chính quyền cơ sở và người dân hợp tác và ủng hộ tích cực cho công tác bảo tồn rùa quý.
Tháng 9/2010, chương trình bảo tồn Rùa châu Á (ATP) đã thiết kế áp phích truyền thông về rùa Hoàn Kiếm (Rafetus swinhoei). Áp phích được phát trong quá trình khảo sát phỏng vấn không chỉ giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của loài rùa mai mềm khổng lồ này cũng như mối quan hệ cùng loài với cá thể rùa linh thiêng ở hồ Hoàn Kiếm – Hà Nội mà còn cung cấp thông tin liên lạc để người dân thông báo cho ATP kịp thời những phát hiện mới về sinh cảnh sông hoang dã và sự xuât hiện của loài.
Tháng 12/2019, bảng truyền thông lớn được dựng lên bên ngoài nhà văn hóa của làng Đồng Mô nhằm giúp người dân hiểu được các phương pháp đánh bắt cá nguy hiểm có thể gây hại cho rùa và phương thức khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản tại hồ. Mong rằng bảng truyền thông có thể tạo ra những ảnh hưởng tích cực đối với rùa Hoàn Kiếm.
Kế hoạch nghiên cứu trong tương lai và nhu cầu bảo tồn
Có nhiều điều chúng ta vẫn chưa biết về môi trường sống, đặc điểm sinh thái và tập tính, giới tính, và khả năng sinh sản của hai cá thể rùa hoang dã ở Đồng Mô và Xuân Khanh. ATP/IMC đang tích cực hợp tác với chính phủ Việt Nam, chính quyền Hà Nội và các tổ chức phi chính phủ khác để nghiên cứu và bảo tồn loài này này trước khi quá muộn. Vào ngày 22/10/2018, Ủy ban Nhân dân Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 200/KH-UBND về bảo tồn các cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô và hồ Xuân Khanh giai đoạn 2018- 2020, định hướng đến 2030. Một nhóm chuyên gia đã được thành lập nhằm thực hiện kế hoạch bảo tồn rùa Hoàn Kiếm bao gồm bắt rùa để xác định loài, giới tính và phát triển các phương pháp nhân giống có thể để khôi phục quần thể hoang dã của loài.
Việc bảo tồn loài và môi trường sống của nó vẫn cần phải được không ngừng cải thiện. Chúng tôi đã không ngừng nỗ lực hướng tới mục tiêu này, vào ngày 12/09/2019, chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về bảo tồn rùa cạn và rùa nước ngọt Việt Nam giai đoạn 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Một điểm đáng chú ý, một khu bảo tồn sinh cảnh cho loài (SHCA) cho loài rùa Hoàn Kiếm (Rafetus swinhoei) sẽ được thành lập tại hồ Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.
Tuy nhiên, hồ Đồng Mô vẫn tiềm ẩn mối đe dọa đối với rùa mang tên “Đập Đồng Mô” – con đập mới được xây dựng vào năm 2010 để thay thế con đập cũ đã bị phá hủy trong trận lụt trước đó. Để giảm thiểu nguy cơ rùa thoát ra ngoài khi các cửa đập mở xả khi mực nước dâng cao để tránh nguy cơ vỡ đập, ATP đã thiết kế và thi công một hệ thống lưới chắn an toàn.
Loài rùa Hoàn Kiếm hiện đang được bảo vệ bởi pháp luật theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP (được sửa đổi và bổ sung bởi Nghị định 64/2019/NĐ-CP) và được liệt kê trong Phụ lục IIB Nghị định 06/2019/NĐ-CP. Đây là một dấu hiệu tích cực, nhưng chúng ta cần làm nhiều hơn nữa để bảo vệ tương lai của loài rùa nguy cấp nhất thế giới.
Cuối cùng, cần phát triển sự hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc, trọng tâm của nỗ lực bảo tồn xuyên quốc gia. Việc cấp bách hiện nay là tiếp tục khảo sát để xác định bất kỳ quần thể nào còn sót lại của loài rùa này ở Việt Nam và Trung Quốc. Chương trình trao đổi sinh sản cần được cân nhắc, tức là đưa cá thể từ Việt Nam đến Trung Quốc để ghép đôi hoặc ngược lại, trong trường hợp không thể xác định thêm cá thể hoang dã nào còn tồn tại ngoài tự nhiên hoặc nếu cá thể cái được xác định là phù hợp với cá thể đực ở vườn thú Tô Châu.
Các dự án bảo tồn khác trên thế giới
Trung Quốc đã tiến hành nhiều nỗ lực trong việc nhân giống, thụ tinh nhân tạo cá thể rùa cái. Vào năm 2008, hai cá thể rùa Hoàn Kiếm, một đực và một cái, được đưa đến sở thú Tô Châu để ghép đôi trong khuôn khổ chương trình nhân nuôi bảo tồn do TSA và WCS (Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã) – chương trình Trung Quốc khởi xướng. Vì con đực không thể giao phối tự nhiên do đã có một vết thương cũ từ cuộc chiến với con đực khác, việc thụ tinh nhân tạo đã được thực hiện. Một nhóm bao gồm các chuyên gia quốc tế đã thu thập tinh dịch của con đực và cấy vào ống dẫn trứng của con cái để đảm bảo quá trình thụ thai thành công. Tuy nhiên mọi nỗ lực đều bất thành.
Ngày 12/4/2019, nhóm nghiên cứu đã thực hiện thụ tinh nhân tạo lần thứ 5 tại vườn thú Tô Châu, Trung Quốc. Đáng buồn thay, lần này cá thể cái đã không tỉnh lại và chết sau 24h tiến hành thụ tinh nhân tạo.
Cái chết của cá thể cái ở Trung Quốc là một hồi chuông cảnh báo về số phận mong manh của loài này (hiện chỉ còn 3 cá thể) và nhấn mạnh rằng cánh cửa cơ hội để bảo tồn loài rùa nguy cấp nhất thế giới đang dần thu hẹp.