Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP) được thành lập năm 1998 và sáp nhập vào Vườn thú Cleveland Metroparks/Hiệp hội Vườn thú Cleveland khu vực châu Á năm 2003.
Được thành lập cùng thời gian với Trung tâm Bảo tồn Rùa (TCC) và Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), một tổ chức phi chính phủ Việt Nam, tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, chúng tôi tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác trên trong các hoạt động bảo tồn các loài rùa cạn và rùa nước ngọt (TFT) tại khu vực Đông Nam Á. Do được thành lập ở Việt Nam, các hoạt động của ATP trong hơn 20 năm qua vẫn lấy Việt Nam, quốc gia có tới 26 loài được ghi nhận với 1 loài sắp nguy cấp (VU), 8 loài nguy cấp (EN) và 15 loài trong tình trạng cực kỳ nguy cấp (CR), theo sách Đỏ IUCN (2021), làm trọng tâm.
ATP tập trung nguồn lực vào các loài ưu tiên bảo tồn tại Việt Nam bao gồm các loài cực kỳ nguy cấp và/hoặc đặc hữu, như loài rùa Trung bộ (Mauremys annamensis), nhóm rùa hộp có phân bố ở miền Trung: rùa hộp trán vàng miền Trung (Cuora bourreti) và rùa nùa hộp trán vàng miền Nam (Cuora picturata), và loài rùa Hoàn Kiếm (Rafetus swinhoei) huyền thoại, có tên khác là loài Giải Sin-hoe, phân bố ở miền Bắc Việt Nam, loài rùa được các chuyên gia đánh giá là loài rùa nguy cấp nhất thế giới.
Với mục tiêu thiết lập một tương lai an toàn và bền vững cho các loài rùa châu Á, đảm bảo sẽ không có thêm loài nào bị tuyệt chủng, chúng tôi thực hiện các chiến lược can thiệp, đóng góp trực tiếp vào việc bảo tồn các loài rùa châu Á, hỗ trợ việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực hữu hạn này cũng như phát triển và tăng cường năng lực quản lý, và truyền thông nhằm tạo ra những thay đổi tích cực về thái độ và hành vi của cộng đồng đối với các loài rùa.
Ngoài ra, ATP cũng như tiến hành các hoạt động nghiên cứu kết hợp bảo tồn ở nhiều khu vực và sinh cảnh sống quan trọng. ATP tin tưởng vào công tác đào tạo chuyên môn và kinh nghiệm cho các cán bộ kiểm lâm, cán bộ thực thi pháp luật liên quan đến bảo tồn rùa, và các sinh viên, các nhà bảo tồn trẻ – đội ngũ sẽ dẫn dắt và lãnh đạo công tác bảo tồn tại Việt Nam trong tương lai, sẽ góp phần thực hiện tốt công tác bảo tồn ở Việt Nam. Chúng tôi đã và đang tổ chức các khóa tập huấn tăng cường năng lực thực thi pháp luật cho các cán bộ kiểm lâm ở các địa bàn trọng điểm và các khóa tập huấn nhằm trang bị cho sinh viên các kỹ năng và kiến thức để thực hiện các hoạt động nghiên cứu và bảo tồn.
ATP cũng thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức cho cộng đồng địa phương và học sinh, cũng như truyền thông đại chúng về tầm quan trọng của loài rùa Việt Nam, các mối đe dọa và cách chúng ta có thể bảo tồn chúng.
Vào tháng 3 năm 2015, ATP đã sáp nhập vào tổ chức Indo-Myanmar Conservation (IMC), một tổ chức phi lợi nhuận được quản lý bởi Cục quản lý doanh nghiệp Vương quốc Anh (Companies House), giấy chứng nhận tổ chức phi lợi nhuận số 1126123 được cấp bởi Ủy ban các tổ chức từ thiện (Charity Commission) vào năm 2018 tại London, Vương quốc Anh và được cấp phép hoạt động tại Việt Nam theo giấy phép số 299/CNV-HD do Bộ Ngoại giao Việt Nam cấp năm 2015.
IMC là một tổ chức bảo tồn được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu và bảo tồn tại khu vực Đông Dương (Indo) – Miến Điện, bao gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan và Myanmar. IMC tập trung vào phương thức tiếp cận bảo tồn loài với hướng tiếp cận cộng đồng để thực hiện công tác bảo tồn hiệu quả. Việc xác nhập ATP vào IMC sẽ hỗ trợ, củng cố và tăng cường các kinh nghiệm bảo tồn rùa cạn và rùa nước ngọt trong suốt hai thập kỷ, bao gồm quản lý nuôi nhốt, nghiên cứu thực địa, nâng cao nhận thức và tiếp cận cộng đồng. Bên cạnh các công tác bảo tồn rùa cạn và rùa nước ngọt, các kỹ năng có sẵn của IMC cũng cho phép mở rộng phạm vi nghiên cứu đối với các nhóm loài khác cũng như cải thiện và thay đổi sinh kế trong tương lai gần.