Trung tâm Bảo tồn Rùa, Vườn Quốc gia Cúc Phương

Hỗ trợ các hoạt động bảo tồn tại TCC

Trung tâm bảo tồn rùa hiện đang rất cần các nguồn tài trợ bổ sung nhằm duy trì số lượng hơn 1000 cá thể rùa tại trung tâm. Các khoản hỗ trợ tài chính này cũng sẽ được dùng cho các hoạt động cứu hộ và tái thả rùa về tự nhiên, và các hoạt động giáo dục bảo tồn tại trung tâm. Mục tiêu cần bổ sung năm 2020 là $20,000 và chúng tôi thật sự cần sự trợ giúp của quý vị để đạt được mục tiêu này. Các nhà tài trợ trước đây đã cam kết tiếp tục hỗ trợ TCC trong những năm tới.

Sự tài trợ của bạn sẽ tạo nên thay đổi! Hãy cùng chúng tôi bảo tồn các loài rùa tại trung tâm.

Nếu bạn quan tâm đến các hoạt động của TCC cũng như mong muốn tài trợ cho các hoạt động này, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ mail support@asianturtleprogram.org hoặc ủng hộ qua trang tài trợ của ATP

Trung tâm Bảo tồn Rùa TCC và trung tâm du khách Cúc Phương

Trung tâm Bảo tồn Rùa (TCC) thuộc vườn Quốc gia Cúc Phương, cách Hà Nội 120km về phía tây nam, được thành lập bởi tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) năm 1998. Đây là nơi cứu hộ các loài rùa cạn và rùa nước ngọt bị buôn bán bất hợp pháp với một mức độ mạnh mẽ trong thập niên 80 và 90 của thế kỳ 20, phần lớn sang Trung Quốc để làm thuốc và thực phẩm. Nhiều chuyên gia tin rằng cần có các biện pháp hữu hiệu để kiểm soát nạn buôn bán rùa bất hợp pháp này nhằm bảo tồn và tạo ra một tương lai bền vững cho các loài rùa ở châu Á.

TCC đã nhanh chóng phát triển thành một dự án bảo tồn dài hạn và trực thuộc trực tiếp dưới sự quản lý của Vườn Quốc gia Cúc Phương vào cuối năm 2001. Hiện tại, TCC là trung tâm tiên phong trong khu vực, nổi bật với các nỗ lực bảo tồn rùa cạn và rùa nước ngọt cũng như các chiến dịch nâng cao ý thức cộng đồng về các nguy cơ đe dọa đối với sự tồn tại của các loài rùa tại Việt Nam.

Trung tâm có diện tích 7000 m2 bao gồm các khu chuồng nuôi, bể nước, các trang thiết bị chuyên biệt phục vụ cho công tác nhân nuôi cho hơn 1000 cá thể rùa thuộc 22 trong số 26 loài rùa bản địa tại Việt Nam. Hầu hết các cá thể này đã được các cơ quan chức năng thu giữ từ các vụ buôn bán trái phép hoặc được ấp nở thành công tại trung tâm. TCC hiện nay xác định việc nâng tầm ảnh hưởng của trung tâm trong các hoạt động bảo tồn rùa tại Việt Nam là mục tiêu trọng tâm.

1. Cứu hộ, chăm sóc và thả về tự nhiên các thể được thu giữ từ các vụ buôn bán bất hợp pháp

TCC đã và đang đóng vai trò quan trọng, đảm bảo các cá thể rùa được tịch thu từ các vụ buôn bán động vật hoang dã sẽ được cứu hộ và chăm sóc. Mặc dù số các vụ bắt giữ với quy mô lớn đang giảm xuống, TCC vẫn tiếp tục thu nhận các cá thể rùa đang bị đe dọa từ các vụ buôn bán. Năm 2019, hơn 180 cá thể đã được chuyển giao đến TCC gồm có rùa hộp trán vàng miền Bắc (Cuora galbinifrons), rùa hộp trán vàng miền Trung (Cuora bourreti), rùa sa nhân (Cuora mouhotii), rùa bốn mắt (Sacalia quadriocellata) và nhiều loài rùa khác.

Do việc tìm kiếm những khu vực an toàn trong tự nhiên để thả rùa gặp nhiều khó khăn, TCC sẽ chăm sóc các cá thể này cho tới khi tìm được địa điểm thích hợp:

Vào năm 2019, TCC đã thả về tự nhiên hơn 80 cá thể rùa thuộc các cực kỳ nguy cấp và nguy cấp như rùa hộp trán vàng miền Trung (Cuora bourreti) và rùa sa nhân (Cuora mouhotii).

Danh sách các loài rùa được cứu hộ và nhân nuôi tại TCC:

Loài Tên thường gọi Tình trạng bảo tồn (IUCN)
Platysternon megacephalum Rùa đầu to EN
Cuora amboinensis kamaroma* Rùa hộp lưng đen VU
Cuora galbinifrons* Rùa hộp trán vàng miền Bắc CR
Cuora bourreti* Rùa hộp trán vàng miền Trung CR
Cuora picturata Rùa hộp trán vàng miền Nam CR

Cuora mouhotii*

Rùa sa nhân EN

Cyclemys oldhamii

Rùa đất Sê-pôn NE
Cyclemys pulchristriata* Rùa đất Pulkin NE
Geoemyda spengleri* Rùa đất Speng-lơ EN
Heosemys grandis* Rùa đất lớn VU
Heosemys annandalii* Rùa răng EN
Malayemys subtrijuga Rùa ba gờ VU
Mauremys annamensis* Rùa Trung bộ CR
Mauremys mutica Rùa câm EN
Mauremys sinensis* Rùa cổ sọc EN
Sacalia quadriocellata* Rùa bốn mắt EN
Siebenrockiella crassicollis* Rùa cổ bự VU
Indotestudo elongata* Rùa núi vàng CR
Manouria impressa Rùa núi viền VU
Amyda (cartilaginea) ornata Ba ba Nam bộ VU
Palea steindachneri Ba ba gai EN
Pelodiscus variegatus Ba ba trơn đốm CR

* Các loài đã nhân giống sinh sản thành công tại TCC
** CR – Cực kỳ nguy cấp; EN – Nguy cấp; VU – Sắp nguy cấp; NE – Chưa được đánh giá; LC – Ít quan tâm

2. Giáo dục và truyền thông

Năm 2010, một phần của trung tâm được mở cho khách thăm quan và hàng năm đã đón tiếp khoảng 80.000 khách du lịch. Đây là một phần trong sáng kiến nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng. Khu trưng bày (VIC) bao gồm phòng trưng bày ấp trứng, bể trưng bày, ao và khu chuồng nuôi ngoài trời mà cho phép khách du lịch quan sát các cá thể rùa trong sinh cảnh tự nhiên của chúng. Các bảng hướng dẫn và ảnh minh họa tại đây đã góp phần giáo dục khách tham quan, học sinh, sinh viên, kiểm lâm viên và các quan chức phụ trách bảo tồn về sự đa dạng và mức độ bị đe dọa của các loài rùa Việt Nam. Đây là ưu tiên trong tâm của TCC nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích của việc bảo vệ động vật hoang dã, tạo ra bước khởi đầu quan trọng trong công tác bảo vệ các loài rùa và rùa nước ngọt tại Việt Nam.

Với lý do đó, TCC cũng đặc biệt chú trọng đến công tác tập huấn, đào tạo cho sinh viên và các nhà khoa học trẻ Việt Nam nhằm tạo nền tảng cho một thế hệ mới của các nhà khoa học và các nhà bảo tồn trẻ.

Từ năm 2005, TCC và chương trình rùa Châu Á (ATP) đã tổ chức các khóa tập huấn thường niên về các kỹ năng nghiên cứu thực địa về rùa cạn và nước ngọt cho các sinh viên và lực lượng kiểm lâm viên. Khóa học đã thu hút sự quan tâm lớn từ đông đảo các bạn sinh viên, những người yêu thiên nhiên, đặc biệt là các bạn trẻ quan tâm đến công tác bảo tồn rùa. Hơn 150 học viên đến từ nhiều trường đại học và cao đẳng trong cả nước đã tham gia khóa học. Với mong muốn đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và bảo tồn rùa ở khu vực Đông Nam Á, khóa tập huấn cũng đã được tổ chức tại Lào. Khóa học cung cấp cho học viên các kiến thức về các mối đe dọa mà các loài rùa đang gặp phải, về đặc điểm sinh thái và cách định dạng các loài rùa bản địa tại Việt Nam. Sau các khóa học này, nhiều học viên đã hoàn thành khóa luận tốt nghiệp liên quan đến nghiên cứu về rùa tại TCC. Trung tâm cũng cung cấp các chương trình cho sinh viên và nhân viên từ các trường đại học và các vườn thú trên thế giới thông qua các nghiên cứu ngắn hạn và các hoạt động tình nguyện tại trung tâm.

Thêm vào đó, trung tâm thường đón tiếp các cán bộ thuộc các đơn vị chuyên trách về bảo vệ động vật hoang dã để giới thiệu về công tác bảo tồn, hướng dẫn cách định loại và thi hành pháp luật về các loài rùa cạn và rùa nước ngọt nhằm nâng cao năng lực thực thi pháp luật và ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép.

3. Nhân nuôi bảo tồn

Do có rất nhiều loài rùa khác nhau được chuyển giao cho trung tâm, việc xác định loài ưu tiên để nhân giống phục vụ cho công tác bảo tồn là vô cùng cần thiết. Nguồn lực còn hạn chế là trở ngại lớn cho các chương trình nhân giống rùa. Do đó, TCC ưu tiên nhân nuôi bảo tồn các loài rùa bản địa tại Cúc Phương như loài rùa sa nhân. Tại TCC, các cá thể rùa thuộc cùng một loài được nuôi trong cùng một chuồng nuôi rộng và các trứng được tìm thấy trong các chuồng nuôi này sẽ được ấp nở. Vui lòng kiểm tra danh sách phía trên để biết thêm thông tin về các loài đang được nhân giống tại TCC

Bản tin

Veterinarian Job Vacancy – Vietnam

Khảo sát phỏng vấn tìm kiếm thông tin về loài rùa Trung Bộ tại tỉnh Bình Định

Các câu hỏi thường gặp về “Khóa đào tạo các kỹ năng nghiên cứu thực địa về rùa cạn và rùa nước ngọt 2023”

Khóa Đào Tạo Các Kỹ Năng Nghiên Cứu Thực Địa Về Rùa Cạn Và Rùa Nước Ngọt Lần Thứ 18