Khảo sát lớn trong 5 năm về bệnh ở các loài lưỡng cư trên dãy Hoàng Liên
Một trong những nghiên cứu dịch tễ học có quy mô lớn nhất từng được thực hiện về “Bệnh nấm Chytrid (Chytridiomycosis)” trên động vật lưỡng cư ở Việt Nam đã phát hiện tỉ lệ xuất hiện thấp của nấm bệnh ở lưỡng cư, đây là một tín hiệu rất tích cực cho Việt Nam cũng như cuộc chiến bảo tồn động vật lưỡng cư trên toàn cầu.
Chytridiomycosis do nấm Chytrid gây ra. Nấm Chytrid gồm chủng nấm Batrachochytrium dendrobatidis (Bd) lây nhiễm cho bộ không đuôi (Anura, gồm ếch và cóc), và chủng nấm Batrachochytrium salamandrivorans (Bsal) lây nhiễm cho bộ có đuôi (Caudata, gồm sa giông, kỳ giông và cá cóc).Chytridiomycosis được xác nhận là một loại bệnh do nấm Chytrid gây ra vào năm 1998 tại Úc. Từ đó, loại bệnh này đã lây nhiễm cho hơn 500 loài lưỡng cư trên toàn thế giới, đặc biệt là các loài ở Úc, châu Âu và vùng Bắc và Nam Mỹ. Điều thú vị là ở Đông Á thì tỉ lệ xuất hiện bệnh nấm chytrid này lại khá thấp dù Đông Á được coi là nơi bắt nguồn của các chủng nấm này.
Có khả năng những chủng nấm này ít “hoạt động” hoặc thậm chí là “ngủ yên” tại quê nhà. Tuy nhiên, việc buôn bán một số loài thuộc giống Bombina từ châu Á đến các vùng/châu lục khác để làm cảnh có thể đã khiến cho loài nấm này được kích hoạt và lây lan mạnh. Hiện các nhà khoa học vẫn chưa xác định được những nguyên nhân đã biến loài nấm này trở thành sát thủ toàn cầu của vô số loài lưỡng cư. Hệ quả là hàng chục loài lưỡng cư đã bị đẩy đến bờ tuyệt chủng hoặc đã biến mất hoàn toàn.
Do ảnh hưởng khủng khiếp của những loại nấm này, nhiều nhóm nghiên cứu quốc tế đã tiến hành nghiên cứu ở những khu vực mà loài nấm này chưa được phát hiện để cảnh báo chính quyền địa phương về sự tồn tại của chúng, đồng thời đề xuất và cung cấp các biện phát kiểm soát khi phát hiện sự hiện diện của các chủng nấm này.
Tuy nhiên tại Việt Nam, tình trạng của các loài lưỡng cư và các mối đe dọa liên quan vẫn ít được quan tâm và biết đến. Hiện, rất ít nghiên cứu về các chủng nấm này được thực hiện tại Việt Nam.
Nhận thức rõ về mối nguy hiểm của các chủng nấm này đến các quần thể lưỡng cư, các chuyên gia quốc tế đã hợp tác với các nhà khoa học của Việt Nam để truy vết những chủng nấm này. Dãy Hoàng Liên nơi có sự đa dạng sinh học cao về hệ lưỡng cư tại Việt Nam đã được lựa chọn làm địa điểm nghiên cứu.
Kể từ năm 2015, một nhóm các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đã thực hiện hiều chuyến khảo sát thực địa đến các vùng núi xa xôi và hiểm trở. Cho đến nay, nhóm nghiên cứu đã thu thập được 601 mẫu bệnh phẩm của hơn 40 loài, chiếm một nửa số loài lưỡng cư được ghi nhận ở dãy Hoàng Liên. Các gạc vô trùng chuyên dụng được sử dụng để thu thập mẫu từ các bộ phận khác nhau của động vật, bao gồm da và các chi để phát hiện dấu vết của nấm bệnh. Trong cuộc khảo sát dịch tễ này, các quy trình khử trùng nghiêm ngặt được tuẩn thủ theo tiêu chuẩn quốc tế để tránh lây nhiễm nguồn bệnh giữa các khu vực và cá thể khác nhau. Các mẫu vật sau đó được gửi và phân tích tại Đại Học Hoàng Gia London và Viện động vật học (thuộc Hội Động vật học London) ở Anh. Kết quả “khá yên tâm”. Chỉ có 6 mẫu chiếm 1% tổng số mẫu, là dương tình với Bd và không có mẫu nào dương tính với Bsal. Hơn thế, tất cả các cá thể lưỡng cư quan sát trong nghiên cứu đều không có biểu hiện nhiễm bệnh. 6 mẫu dương tính với Bd thuộc 5 loài: Cóc tía Bombina (Bombina microdeladigitora), cóc nhà (Duttaphrynus melanostictus), cóc sừng Fansipan (Megophrys fansipanensis), cóc sừng Hoàng Liên (Megophrys hoanglienensis), và nhái cây Sa Pa (Gracixalus sapaensis).
Nghiên cứu cho thấy tỉ lệ xuất hiện thấp cũng như tác nhân nhỏ của bệnh nấm Chytrid. Tuy vân, nghiên cứu này vẫn chưa giúp giải đáp các câu hỏi liên quan đến bệnh nấm Chytrid. Những tác nhân nào có thể kích hoạt chủng nấm trên khiến chúng bùng phát và lây lan nhanh? Liệu có phải do các hiện tượng thời tiết bất thường và biến đổi khí hậu,v.v hay không?
Cho đến nay, cuộc khảo sát này được coi là cuộc phân tích dịch tễ học lớn nhất từ trước đến nay về bệnh nấm Chytrid (Chytridiomycosis) ở Việt nam. Hy vọng rằng kết quả này có thể nhấn mạnh sự hiện hữu những nguy cơ với động vật lưỡng cư và kêu gọi sự kiểm soát và quản lý chặt chẽ hơn của việc buôn bán vật nuôi làm nhằm ngăn chặn sự lây lan của mầm bệnh.
Nghiên cứu này là thành quả hợp tác giữa các nhân viên khoa học đến từ Bảo tàng Úc, Tổ chức Indo-Myanmar Conservation và Hội động vật học London.
Lời cảm ơn
Chúng tôi vô cùng biết ơn sự hỗ trợ của ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Lào Cai đã tạo điều kiện để đoàn thực hiện nghiên cứu tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát. Chúng tôi cũng cảm ơn ông Nguyễn Đình Thắng, cán bộ Chi cục Kiểm lâm Lào Cai và ông Nghiêm Trọng Tấn đã hỗ trợ chúng tôi trong chuyến thực địa. Chung tôi xin gửi lời cảm ơn đến các nhân viên tại Vườn quốc gia Hoàng Liên đã cộng tác và hỗ trợ trong dự án này. Đặc biệt, chúng tôi xin cảm ơn ông Nguyễn Hữu Hạnh (Giám đốc) và ông Nguyễn Quang Vinh (nguyên giám đốc) đã và đang tiếp tục hỗ trợ hoạt động hợp tác này. Chúng tôi xin cảm ơn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt nam và các cán bộ tại Vườn quốc gia Hoàng Liên đã cấp phép và tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc khảo sát thực địa này. Chúng tôi xin cảm ơn ông Tim Cutajjar và ông Luke Harding vì sự hỗ trở của họ trong chuyến thực địa và cảm ơn ông Trenton W. J. Garner với những ý kiến đóng góp đối với bản thảo nghiên cứu này và hỗ trợ nghiên cứu trong phòng lab. Chúng tôi cũng xin gửi lời cảm ơn tới Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai đã hỗ trợ chương trình nghiên cứu này.
Nghiên cứu này được tài trợ bởi Tổ chức Ocean Park Conservation Foundation Hong Kong và dự án EDGE Fellowship của Hội động vật học London, Quỹ Morris Animal, Quỹ Leverhulme, Hội đồng Nghiên cứu Môi trường tự nhiên, Vương quốc Anh (the Natural Environmental Research Council) và học bổng nghiên cứu tiến sĩ của Viện ICL Grantham.
Để biết thông tin về nghiên cứu này, vui lòng tìm đọc:
Tapley, B., Jervis, P., Nguyen, L.T., Portway, C., Nguyen, C.T., Luong, H.V., Kane, D., Brookes, L., Perkins, M.W., Ghosh, P., Wierzbicki, C., Shelton, J., Fisher, M.C. & Rowley, J.J.L. (2020). Low Prevalence of Batrachochytrium dendrobatidis Detected in Amphibians from Vietnam’s Highest Mountains. Herpetological Review. 51(4), 726–732.
Thông cáo báo chí: Nguyễn Thành Luân & Bích Kiều – ATP/IMC
Ngày 16 tháng 12 năm 2020
No comment