THÔNG CÁO BÁO CHÍ: Thử nghiệm kỹ thuật phát hiện gen trong môi trường dùng thiết bị di động và ứng dụng công nghệ để tìm kiếm cá thể Rùa Hoàn Kiếm ngoài tự nhiên

The team collect water samples from Dong Mo Lake using the backpack pump Photo credit: Asian Turtle Program


Hà Nội, ngày 26 tháng 4 đến ngày 9 tháng 5 năm 2018: Khóa tập huấn giới thiệu về gen trong môi trường (eDNA) và thử nghiệm kỹ thuật phát hiện eDNA dùng thiết bị di động để tìm kiếm cá thể Giải Sin-hoe hay còn gọi là Rùa Hoàn Kiếm (Rafetus swinhoei), diễn ra tại hồ Đồng Mô và Xuân Khanh từ ngày 26 tháng 4 đến ngày 9 tháng 5 năm 2018. Nỗ lực hợp tác giữa Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP), Viện Tài nguyên và Môi trường (CRES) và Tổ chức WCS Việt Nam trong dự án này là sáng kiến ​​nhằm  thúc đẩy cơ hội tìm kiếm thêm các cá thể Rùa Hoàn Kiếm ngoài tự nhiên. Khóa tập huấn diễn ra trong 15 ngày, do Tiến sĩ Tracie Seimon, Nhà khoa học phân tử, Chương trình Sức khỏe Động vật của WCS, trụ sở tại Vườn thú Bronx, New York, Mỹ, hướng dẫn, cùng sự hỗ trợ kỹ thuật của Tiến sĩ Brian D. Horne, Chuyên gia về Rùa nước ngọt và Rùa cạn, Chương trình về loài của WCS.

Loài Rafetus swinhoei, được biết đến với tên gọi Rùa Hoàn Kiếm, do người Việt Nam thành kính đặt cho, được xem là biểu tượng của Hà Nội bởi nó gắn liền với truyền thuyết lâu đời về hồ Hoàn Kiếm, là loài rùa quý hiếm nhất thế giới với chỉ 4 cá thể được biết còn tồn tại đến nay (2 cá thể ở Việt Nam và 2 cá thể ở Trung Quốc). Trong 15 năm qua, tổ chức ATP đã tiến hành nhiều cuộc khảo sát trên diện rộng nhằm tìm kiếm các cá thể mới của loài này ngoài tự nhiên và đã thành công trong việc xác định 2 cá thể tại Việt Nam. Cá thể Rùa Hoàn Kiếm – thứ hai mới được ATP, phối hợp với Tổ chức Turtle Survival Alliance (TSA) và Đại học bang Washington, Mỹ phát hiện gần đây bằng kỹ thuật eDNA. Hiện nay, sự tham gia của Tổ chức WCS và CRES vào quá trình tìm kiếm cùng sự tiến bộ của kỹ thuật eDNA mang lại hi vọng về một kỹ thuật nghiên cứu cho phép khảo sát loài nhanh chóng tại những hồ và khu vực tiềm năng.

eDNA là viết tắt của gen hay DNA (Deoxyribonucleic acid, tiếng Việt còn gọi là ADN) trong môi trường, do các sinh vật sống thải ra môi trường. eDNA có thể được sử dụng như một công cụ pháp y để phát hiện các loài quý hiếm dựa vào mẫu môi trường như đất, nước và không khí, thay vì lấy trực tiếp từ một cá thể. Bộ dụng cụ di động chẩn đoán phân tử, để xác định eDNA trong mẫu nước, đã được WCS phát triển thành công, với mục đích tìm ra những loài có nguy cơ tuyệt chủng, đặc biệt tập trung vào loài Rùa Hoàn Kiếm. Với tính năng chẩn đoán nhanh, di động và thân thiện với môi trường, bộ dụng cụ eDNA mang lại hy vọng mới cho việc tìm kiếm cá thể Rùa Hoàn Kiếm ngoài tự nhiên, giúp hoạt động thu thập, chẩn đoán mẫu nước trở nên dễ dàng hơn bởi eDNA có thể được chẩn đoán trực tiếp ngay tại nguồn nước.

Mục tiêu của khóa tập huấn là nâng cao kiến thức và hướng dẫn các nhà nghiên cứu bảo tồn từ ATP, CRES và WCS, về cách điều khiển và áp dụng bộ dụng cụ di động eDNA trong các chuyến khảo sát thực tế. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để thử nghiệm hiệu quả hoạt động của kỹ thuật mới này trước khi đưa ra ứng dụng rộng rãi. Các học viên có 2 ngày ở Hà Nội để học lí thuyết và 13 ngày còn để thực hành sử dụng bộ dụng cụ nhằm thu thập và chẩn đoán mẫu nước có thể có gen Rùa Hoàn Kiếm tại hồ Đồng Mô và Xuân Khanh, xã Sơn Tây, huyện Ba Vì, Hà Nội.

Trong khóa tập huấn, Phó Giáo sư Lê Đức Minh, CRES, chia sẻ “Kỹ thuật mới này có ý nghĩa lớn trong việc khảo sát những loài khó tìm kiếm và đang bị đe dọa trên toàn thế giới, đặc biệt là động vật thủy sinh. Việc phát triển bộ dụng cụ di động eDNA chắc chắn sẽ hỗ trợ tích cực công tác bảo tồn nhiều loài động vật nguy cấp nhất nước ta.”

Khóa tập huấn góp phần thúc đẩytinh thần hợp tác giữa ba tổ với mục tiêu chung cuối cùng là bảo tồn loài rùa nguy cấp nhất trên thế giới, Rùa Hoàn Kiếm. Hoạt động thu thập và chẩn đoán mẫu gen trong môi trường tiếp theo dự kiến được tiến hành vào tháng 12 năm 2018 và tháng 1 năm 2019, khi nhiệt độ nước xuống thấp hơn, nhằm tối ưu hóa cơ hội tìm ra DNA của Rùa Hoàn Kiếm tại hồ Đồng Mô và Xuân Khanh.

Thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ:  

  • Ông Tim McCormackChương trình Bảo tồn Rùa châu Á
    Phòng 1806 CT1, tòa nhà C14 Bắc Hà, phố Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
    ĐT: 024 7302 8389
    Email: tmccormack@asianturtleprogram.org
  • Phó giáo sư Lê Đức Minh
    Viện Tài nguyên và Môi trường (CRES), Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU)
    19 Lê Thánh Tông, Hà Nội, Việt Nam
    ĐT:024 3826 2932
    Email: minh.le.cres@gmail.com
  • Ông Nguyễn Văn Long
    WCS Việt Nam
    106, nhà D, số 3 Thành Công, Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam
    ĐT: 024 3514 9750
    Email: nvlong@wcs.org

Về Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP):

  • Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á được thành lập năm 1998 và sáp nhập vào Vườn thú Cleveland Metroparks / Hiệp hội Vườn thú Cleveland khu vực châu Á năm 2003. Vào năm 2014, ATP sát nhập vào Tổ chức Indo-Myanmar Conservation (IMC) để mở rộng phạm vi hoạt động trong các lĩnh vực khác như các phân loài khác và sinh kế thay thế cho người dân. Mục tiêu hoạt động của ATP là thiết lập một tương lai an toàn và bền vững cho các loài rùa châu Á, đảm bảo rằng sẽ không có loài rùa nào bị tuyệt chủng. Chúng tôi thực hiện các chiến lược can thiệp, đóng góp trực tiếp vào việc bảo tồn các loài rùa, hỗ trợ việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên sinh vật có giới hạn này cũng như phát triển và tăng cường năng lực lãnh đạo, truyền thông tới cộng đồng nhằm thay đổi thái độ và hành vi trong xã hội đối với các loài rùa.Để biết thêm thông tin về Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP), truy cập website http://www.asianturtleprogram.org/

Về Viện Tài nguyên và Môi trường (CRES):

  • Từ năm 1995, Viện Tài nguyên và Môi Trường (CRES) trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã trở thành một đơn vị nghiên cứu và đào tạo tiên phong, có uy tín trong lĩnh vực bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững thông qua các hoạt động nghiên cứu, tập huấn và hợp tác. Trên thế giới, CRES đóng vai trò là Hội viên của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN), Cơ quan Thẩm quyền khoa học của công ước CITES và là đối tác của Chương trình con người và sinh quyển (MAB Việt Nam). Kể từ khi thành lập, CRES đã tham gia vào 4 chương trình quốc gia về môi trường và tài nguyên, 25 dự án cấp quốc gia, 67 dự án hợp tác quốc gia và 26 dự án hợp tác quốc tế. Viện cũng đã tiến hành đào tạo hơn 500 nhà khoa học và quản lý về tài nguyên thiên nhiên và môi trường.
    Để có thêm thông tin về Viện Tài nguyên và Môi Trường (CRES), truy cập website http://www.cres.edu.vn/en/

Về WCS:

  • Tổ chức WCS bảo vệ các loài động vật và vùng hoang dã trên toàn cầu qua nghiên cứu khoa học, bảo tồn, giáo dục và khơi dậy giá trị của thiên nhiên đối với con người. Với lịch sử 120 năm hình thành và phát triển, WCS đã đóng góp tích cực để đẩy mạnh công tác bảo tồn động vật hoang dã trên toàn thế giới thông qua quan hệ đối tác với chính phủ các quốc gia và cộng đồng địa phương. Hiện nay, WCS có văn phòng đại diện tại gần 60 quốc gia trên toàn cầu và trụ sở chính tại New York, Mỹ.
    WCS hoạt động tại Việt Nam từ năm 2006. WCS Việt Nam tập trung tăng cường năng lực thực thi pháp luật cho các cơ quan chức năng tại Việt Nam và hỗ trợ hoàn thiện khung pháp lý để đấu tranh với tội phạm về động vật hoang dã (ĐVHD). Chúng tôi ưu tiên một số lĩnh vực hoạt động chủ chốt nhằm tác động đến các mạng lưới buôn bán ĐVHD trái pháp luật tại Việt Nam ở mọi cấp độ, với mục tiêu cuối cùng là bắt giữ và truy tố thành công tội phạm.
    Để biết thêm thông tin về WCS Việt Nam, truy cập website: https://vietnam.wcs.org/.

Thư viện ảnh

Tiến sỹ Tracie Seimon, Nhà khoa học phân tử, Chương trình
Sức khỏe Động vật của WCS, thuyết trình về eDNA. Ảnh: WCS Việt Nam
Nhóm nghiên cứu sử dụng bộ dụng cụ di động
eDNA để tìm kiếm cá thể loài rùa Hoàn Kiếm (Rafetus swinhoei). Ảnh: WCS Việt Nam
Nhóm nghiên cứu tiến hành lấy mẫu nước tại hồ Đồng Mô sử dụng bơm di động. Ảnh: Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á

 

Màng lọc nhanh chóng bị đổi màu với phù sa từ nước hồ. Hy vọng khi xét nghiệm màng lọc c mẫu DNA của rùa Hoàn Kiếm có được phát hiện. Ảnh: Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á

No comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *