Người dân thủ đô vừa nói lời vĩnh biệt với “cụ rùa” Hoàn Kiếm huyền thoại khi vào cuối giờ chiều ngày 19/1/2016, tại hồ Hoàn Kiếm, thi thể của cá thể rùa Hoàn Kiếm được phát hiện. Theo truyền thuyết, sau chiến thắng chống lại quân xâm lược nhà Minh, vua Lê Lợi đi du ngoạn trên hồ Lục Thủy thì có 1 con rùa khổng lồ xuất hiện, xin hoàn lại gươm thần đã giúp nhà vua chiến thắng quân giặc, từ đó hồ Lục Thủy được đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm. Do đó, sự xuất hiện của rùa Hoàn Kiếm luôn thu hút sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt khi người Hà Nội tin rằng nhìn thấy rùa Hoàn Kiếm là một điềm lành. Cá thể rùa đã chết vào ngày hôm qua, 19/1/2016, được người dân trân trọng gọi là “Cụ Rùa”, đây là cá thể đực thuộc loài giải Sin-hoe (Rafetus swinhoei), có chiều dài 130cm nặng 170kg. Ông Phạm Văn Thông, cán bộ phụ trách dự án bảo tồn rùa Hoàn Kiếm của ATP trong 6 năm qua cho hay: “Tôi luôn cảm thấy hạnh phúc khi được nhìn thấy hình ảnh của rùa Hoàn Kiếm cũng như tự hào khi có cơ hội được giới thiệu về loài rùa này với bạn bè trong nước và quốc tế. Do đó, sự ra đi của rùa Hoàn Kiếm là điều rất đáng tiếc và hồ Hoàn Kiếm sẽ mất đi một nét đẹp riêng khi vắng bóng “cụ rùa””.
Trong vòng 1 thế kỷ qua, quần thể rùa Hoàn Kiếm tại hồ Hoàn Kiếm đã bị suy giảm nghiêm trọng, đến năm 1968, chỉ còn 1 cá thể duy nhất tồn tại cho đến ngày nay. Cá thể rùa trong hồ Hoàn Kiếm có giá trị quan trọng về mặt bảo tồn, là 1 trong bốn cá thể duy nhất của loài giải Sin-hoe (Rafetus swinhoei) còn tồn tại trên thế giới. Đây là loài rùa mai mềm khổng lồ thuộc họ Trionychidae với khung xương được bao phủ bởi lớp sụn và da mềm. Trong quá khứ loài rùa này phân bố chủ yếu ở các khu vực sông, hồ, đất ngập nước thuộc miền Bắc Việt Nam và miền Nam Trung Quốc tới phía bắc sông Dương Tử. Trong suốt thập niên 70 đến 90 của thế kỷ 20, số lượng loài rùa quý hiếm này đã bị suy giảm nghiêm trọng do bị săn bắt làm thức ăn và do mất môi trường sống khi các khu vực sông suối, đầm lầy bị chuyển đổi thành đất nông nghiệp.
Từ năm 2003, Chương trình Bảo tồn rùa châu Á (ATP) thuộc tổ chức Indo-Myanmar Conservation (IMC) đã tiến hành khảo sát các khu vực phân bố lịch sử của loài rùa Hoàn Kiếm. Năm 2007, 1 cá thể thuộc loài rùa quý hiếm này đã được phát hiện trong môi trường hoang dã tại khu vực hồ Đồng Mô, Hà Nội. Trong số các địa điểm tiềm năng có sự tồn tại của rùa Hoàn Kiếm thì đây là nơi duy nhất đã ghi nhận sự xuất hiện của loài này.
Chương trình Bảo tồn rùa Châu Á (ATP) nỗ lực nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và bảo vệ rùa Hoàn Kiếm tại Đồng Mô thông qua các hoạt động bảo tồn bao gồm chương trình giáo dục trong trường học, tăng cường năng lực và công tác giám sát với sự tham gia của cán bộ địa phương và ngư dân. Năm 2008, cá thể rùa tại hồ Đồng Mô đã thoát ra trong vụ vỡ đập lịch sử và bị người dân địa phương bắt được. Ngay lập tức, các cơ quan chức năng đã xuất hiện kịp thời và thuyết phục người dân thả cá thể rùa trở về với hồ Đồng Mô.
Sau sự ra đi của cá thể rùa trong hồ Hoàn Kiếm, hiện nay, trên thế giới chỉ còn lại 3 cá thể thuộc loài rùa quý hiếm này, do đó công tác bảo tồn loài rùa Hoàn Kiếm trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Bên cạnh việc tiếp tục các cuộc khảo sát tại Việt Nam, Trung Quốc và Lào để tìm kiếm các cá thể rùa còn tồn tại trong tự nhiên, Chương trình nhân giống bảo tồn rùa Hoàn Kiếm cần được tiến hành với sự hợp tác của Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc nhằm duy trì và phát triển loài rùa quý, hiếm này.
Để biết thêm thông tin về công tác bảo tồn rùa Hoàn Kiếm, xin vui lòng truy cập website Chương trình bảo tồn rùa Châu Á www.asianturtleprogram.org.
Để hỗ trợ các hoạt động bảo tồn loài rùa Hoàn Kiếm và các loài rùa Việt Nam nói chung, vui lòng truy cập: www.asianturtleprogram.org/pages/support_atp.html
Thông cáo báo chí: Timothy McCormack – ATP/IMC
Ngày 20 tháng 01 năm 2016
No comment