Câu trộm trên hồ Đồng Mô đe dọa loài rùa nguy cấp nhất thế giới

The Dong Mo Lake Swinhoe’s Softshell Turtle (Rafetus swinhoei) photographed in April 2014. Photo by: Nguyen Tai Thang - ATP


Rùa Hoàn Kiếm (Rafetus swinhoei) ở hồ Đồng Mô là một trong bốn cá thể quý hiếm nhất trên thế giới. Gần đây tình trạng câu trộm gia tăng trên hồ với công cụ đánh bắt nguy hiểm đe dọa đến sự sống của cá thể rùa quý hiếm này.

Hồ Đồng Mô có diện tích 1400ha, nằm dưới chân núi Ba Vì về phía Tây Bắc của thành phố Hà Nội. Bên cạnh chức năng cung cấp nước tưới tiêu cho nông nghiệp và hoạt động du lịch, hồ Đồng Mô còn có vai trò sinh thái quan trọng là nơi sinh sống của rùa Hoàn Kiếm. Từ năm 2010, nhằm bảo vệ cá thể rùa quý hiếm, các ngư dân hoạt động đánh cá trên hồ đã cam kết không sử dụng phương tiện đánh bắt nguy hại như kích điện, câu giăng (hay còn gọi là câu vương). Cam kết này được Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP) phối hợp với hai nhà thầu quản lý hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản thực hiện với sự tham gia của hơn 40 ngư dân trên hồ. Đồng thời, các ngư dân cũng tự nguyện tham gia ngăn chặn nếu phát hiện hành vi câu trộm sử dụng những phương tiện trên.

Trong năm 2014, có hai trường hợp câu trộm dùng câu giăng bị tịch thu. Tuy nhiên, chỉ trong vòng một tháng trở lại đây, số vụ câu trộm ở hồ Đồng Mô gia tăng bất thường, những kẻ câu trộm thả dây câu rải rác tại nhiều khu vực khác nhau trên hồ khiến chúng càng khó bị phát hiện. Từ ngày 13/03/2015 đến 12/04/2015, 06 bộ câu giăng được ngư dân tìm thấy tại hồ. Câu giăng đặc biệt nguy hiểm vì mỗi dây câu có hàng trăm móc câu nằm dọc dây chính, thả dài trên hồ. Móc câu giăng có nhiều loại kích thước khác nhau, loại nhỏ nhất cũng đủ làm chết rùa mai mềm như ba ba trơn (Pelodiscus sinensis), thậm chí gây sát thương và có thể nguy hiểm đến tính mạng cả loài kích thước lớn như rùa Hoàn Kiếm. Bởi thế câu giăng được mệnh danh là sát thủ đối với các loài rùa mai mềm. Không chỉ có dây câu, những kẻ đánh bắt trộm còn sử dụng kích điện cả ngày lẫn đêm trên hồ. Gần đây nhất, đội quản lý đánh cá của hồ thu giữ một bộ kích điện ngày 11/04/2015. Tính đến thời điểm hiện tại, số kích điện tịch thu được là 11 bộ. Mặc dù phương tiện này bị cấm sử dụng theo quy định của Thông tư số 62/2008/TT-BNN về hướng dẫn thi hành Nghị định số 59/2005/NĐ-CP về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản, chúng vẫn được sự dụng phổ biến ở rất nhiều nơi. Kích điện không những gây nguy hiểm cho rùa mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái thủy vực, giết chết hàng loạt loài thủy sản và thực vật thủy sinh.

Tình trạng câu trộm bằng các phương tiện nguy hại vừa xảy ra liên tiếp trên hồ Đồng Mô thực đáng lo ngại cho công tác bảo tồn loài. Rùa Hoàn Kiếm nằm trong phụ lục I của nghị định 160/2013/NĐ-CP, cùng mức ưu tiên bảo vệ với các loài hổ, voi và gấu theo Luật Đa dạng sinh học 2008 và Luật hình sự sửa đổi 2009. Điều đó đồng nghĩa với việc các cơ quan bảo vệ động vật hoang dã và chính quyền địa phương cần đóng vai trò tích cực trong việc đẩy mạnh nỗ lực bảo vệ và giảm thiểu các mối đe dọa, kể cả săn bắt trực tiếp hay gián tiếp gây hại cho rùa. Mất đi một cá thể rùa quan trọng sẽ là tổn thất rất lớn đến sự sinh tồn của loài rùa khổng lồ này ở Việt Nam và trên thế giới.

Chúng tôi xin cảm ơn Quỹ đối tác về các hệ sinh thái trọng yếu, Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Quỹ Bảo tồn Rùa (TCF), Vườn thú Cleveland Metroparks cùng Hạt Kiểm lâm Sơn Tây, Công an xã Kim Sơn, các ngư dân và ông Phạm Xuân Tự, chủ thầu hồ đã ủng hộ cho các hoạt động bảo tồn rùa tại địa phương.

Thông cáo báo chí: Timothy McCormack & Phạm Văn Thông – ATP/IMC
Ngày: 15/04/2015

Thư viện ảnh

 

Ngư dân Nguyễn Văn Thành gỡ một dây câu ở hồ Đồng Mô, tháng 6/2014. Ảnh: Nguyễn Tài Thắng – ATP
Câu cá bằng kích điện, mặc dù đã bị cấm ở Việt Nam, gần đây chúng được sử dụng để đánh bắt cá ở Đồng Mô, đe dọa nghiêm trọng đến cá thể rùa trong hồ. Ảnh: Nguyễn Tài Thắng – ATP

No comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *